Tăng vốn dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình
Tổng mức đầu tư của Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh thái Bình được tăng từ gần 3.900 tỉ đồng lên gần 4.840 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 192 điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.
Theo đó, tổng mức đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh thái Bình được tăng từ gần 3.900 tỉ đồng lên gần 4.840 tỉ đồng.
Đồng thời, cơ cấu nguồn vốn cũng được thay đổi. Vốn ngân sách Trung ương giữ nguyên với 1.100 tỉ đồng nhưng vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác tăng từ gần 1.600 tỉ đồng lên gần 2.650 tỉ đồng; vốn nhà đầu tư BOT gần 1.100 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian vận hành, khai thác, thu phí hoàn vốn Dự án dự kiến từ 23 năm 3 tháng lên thành 24 năm 8 tháng.
Trong trường hợp tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đưa vào khai thác, sử dụng ảnh hưởng đến doanh thu, phương án tài chính của Dự án, UBND tỉnh Thái Bình, nhà đầu tư và các bên có liên quan thực hiện đàm phán trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích các bên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và hợp đồng BOT đã ký.
Thời gian đầu tư xây dựng dự án được thay đổi thành từ năm 2018 đến năm 2025 thay cho mốc thời gian từ năm 2018 đến năm 2021 như quy định cũ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và các thông tin, số liệu trong Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành và ý kiến của các bộ, cơ quan có liên quan.
UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền tiếp thu ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Dự án, tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước; bảo đảm cân đối, bố trí đầy đủ, kịp thời vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án theo đúng quy định của pháp luật để triển khai Dự án theo đúng tiến độ.
Trước đó, theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình, ước tính khối lượng công việc của Dự án đã hoàn thành khoảng 80%. Tuy nhiên, theo tình hình thực tế hiện nay, tỉnh Thái Bình đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư; điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn.
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do quá trình thực hiện dự án phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng; đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thi công; điều chỉnh bổ sung một số hạng mục, phù hợp với quy định, bổ sung trạm thu giá dịch vụ; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng tăng.