Cục Thuế TP. Hà Nội: Rà soát định kỳ, ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn trái phép

Cục Thuế TP. Hà Nội khẳng định hành vi mua bán hóa đơn là trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Do đó, Cục Thuế Thành phố triển khai rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, ngăn ngừa hành vi này.

Mua bán hóa đơn trái phép nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù đến 5 năm.

Mua bán hóa đơn trái phép nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù đến 5 năm.

Nhận diện hành vi mua bán hóa đơn

Hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho bên mua theo quy định pháp luật. Hóa đơn GTGT cũng là căn cứ để xác định số tiền thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp, giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua bán hóa đơn. Hành vi trái pháp luật này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.

Thực hiện Công điện số 01/CĐ-BTC về tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính và Chỉ thị số 01/CT-TCT của Tổng cục Thuế về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận khi sử dụng hóa đơn, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thông báo tới người nộp thuế trên địa bàn Thành phố các quy định pháp luật về thuế nói chung và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ. Trong đó, Cục Thuế TP. Hà Nội nêu rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh, nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp pháp liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Các tổ chức, cá nhân cũng được quyền khiếu kiện các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sử dụng hóa đơn hợp pháp; được quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế, công chức quản lý thuế hoặc tổ chức, cá nhân khác. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Đại diện Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết: "Mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đúng thời điểm, đảm bảo đúng, đầy đủ hình thức, nội dung theo quy định của pháp luật để gửi cho người mua và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của hóa đơn điện tử". Đồng thời, nghiêm túc chấp hành sự thanh tra, kiểm tra, đối chiếu của cơ quan thuế và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Các hành vi nghiêm cấm

Thông tin rõ ràng về các hành vi bị cấm khi sử dụng hóa đơn, Cục Thuế TP. Hà Nội nêu rõ nghiêm cấm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không lập hóa đơn hoặc lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định pháp luật; sử dụng không đúng hình thức hóa đơn điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn, chứng từ của đơn vị không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, quy định hiện hành cũng nghiêm cấm hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; sử dụng hóa đơn, chứng từ “khống”, không phản ánh đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn “khống”, lập hóa đơn giả; Cấm sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác; sử dụng hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc bán ra; Nghiêm cấm hành vi đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến lĩnh vực hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính; hay truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ.

Mua bán hóa đơn khống vẫn diễn biến phức tạp

Mua bán hóa đơn khống vẫn diễn biến phức tạp

Hình thức xử phạt nghiêm minh

Mua bán trái phép hóa đơn hiện nay là vấn đề nhiều cá nhân, nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi, các mức xử phạt đối với hành vi này hiện nay được đánh giá là khá nghiêm khắc. Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, trường hợp phải xử phạt hành chính, căn cứ Nghị định số 125/2020/NÐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, thì hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm bị phạt tiền lên đến 8 triệu đồng (quy định tại Điều 24); mua bán hóa đơn bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng (quy định tại Điều 22)...

Bên cạnh đó, các hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp/sử dụng không hợp pháp hóa đơn chứng từ như: sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; không phản ánh đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn “khống”; hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa; sử dụng để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra;... bị phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng (quy định tại Điều 4).

Cục Thuế TP. Hà Nội cũng lưu ý trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, cơ quan chức năng căn cứ Ðiều 203, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, người có hành vi vi phạm quy định tại Ðiều 203 nêu trên bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 5 năm.

"Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Ðiều 203 nêu trên bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định lên đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn lên đến 3 năm...", Cục Thuế TP. Hà Nội thông tin.

Nhằm ngăn chặn hành vi này, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết đơn vị thường xuyên tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, đảm bảo tối đa tính nghiêm ngặt trong quá trình vận hành hệ thống; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hóa đơn điện tử, đặc biệt tập trung vào ứng dụng xác minh hóa đơn; tiếp tục bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hóa đơn.

Cục Thuế TP. Hà Nội cũng tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế.

Ngoài ra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đúng thời điểm, đảm bảo đúng, đầy đủ hình thức, nội dung theo quy định của pháp luật để gửi cho người mua và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của hóa đơn điện tử.

Trang Phạm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cuc-thue-tp-ha-noi-ra-soat-dinh-ky-ngan-chan-hanh-vi-mua-ban-hoa-don-trai-phep.html?source=cat-87