Cục trưởng Bảo vệ trẻ em: Nghe thấy đánh đập cháu bé, tại sao không tố cáo?
Tại sao cộng đồng sống ngay cạnh căn hộ này nghe thấy tiếng đánh đập cháu bé suốt như vậy không lên tiếng tố cáo?. Đáng lẽ vụ việc cần sớm thông báo cho các cơ quan chức năng.
Liên quan đến cái chết thương tâm của cháu N.T.V.A. (8 tuổi) tại một chung cư ở TP.HCM gây phẫn nộ trong dư luận, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) để điều tra hành vi "hành hạ trẻ em" và đang làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Kim Trung Th. (36 tuổi, ngụ tại quận 1, là cha của cháu A.).
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đây là vụ việc hết sức đau xót khi trẻ em lại bị bạo hành bởi người tình của bố đẻ.
“Ở đây người bố và “dì ghẻ” không hiểu biết về pháp luật bảo vệ trẻ em nên dẫn đến hậu quả khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Tội ác của người gây ra hậu quả sẽ bị pháp luật xử phạt nghiêm khắc nhất, nhưng hậu quả để lại là không thể cứu vãn”, ông Nam nói.
Ông Nam nói rõ, trong xã hội văn minh hiện nay, người lớn không thể giáo dục, dạy dỗ con trẻ bằng đòn roi, bạo hành. Do vậy, bất cứ hành vi bạo hành nào cũng bị lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng trẻ em chia sẻ thêm, ông thấy xót xa khi vụ việc lại xảy ra ở một khu chung cư thuộc hạng cao cấp tại TP.HCM, với đầy đủ các thiết chế, tổ chức bảo vệ trẻ em ở mức cao nhất cả nước nhưng đã không được tố giác để ngăn chặn kịp thời.
Qua báo chí phản ánh, có những người hàng xóm sống trong chung cư có nghe được âm thanh bất bình thường, nhưng đã không thông báo cho cơ quan chức năng biết kịp thời.
"Khi xảy ra việc cháu bé bị đánh tử vong, cộng đồng dân cư thắp nến cầu nguyện. Tại sao cộng đồng sống ngay cạnh căn hộ này nghe thấy tiếng đánh đập cháu bé suốt như vậy không lên tiếng tố cáo. Đáng lẽ vụ việc cần sớm thông báo cho các cơ quan chức năng hoặc có thể gọi đến dịch vụ tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để tố cáo thì có thể sẽ không dẫn đến hậu quả đau lòng”, ông Nam bày tỏ.
Ông Nam khuyến cáo, mọi người dân nếu phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành cần sớm thông báo cho cơ quan chức năng hoặc tố cáo qua tổng đài điện thoại số 111 được thiết lập, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.
Khi gọi đến tổng đài, thông tin người tố cáo sẽ được giữ bí mật, nên không lo ngại bị trả thù, sứt mẻ tình cảm với hàng xóm.