Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú: Doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ
Qua triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng gần 6 lần, việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu nghiêm túc hơn… Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm…
Về nội dung này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hànôịmới.
Sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng gần 6 lần
- Những năm qua chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Ông có thể chia sẻ cụ thể về nội dung này?
- Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Chính phủ ban hành từ năm 2003, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện. Chương trình hướng tới giá trị cốt lõi là “Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong”. Các hoạt động của chương trình đã tập trung nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đặc biệt nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp; đồng thời quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam được phép sử dụng biểu trưng thương hiệu quốc gia Việt Nam; được hỗ trợ kinh phí khi tham gia các hoạt động thuộc chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và các chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng khác. Mặt khác, doanh nghiệp được các cơ quan nhà nước hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp về ngoại thương, về quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu hàng hóa…
- Xin ông cho biết những kết quả cho thấy bước tiến trong xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam những năm qua?
- Trải qua hơn 20 năm, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Tiêu biểu là nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã được nâng cao hơn. Đến năm 2022, kỳ xét chọn lần thứ 8, đã có 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, tăng gần 6 lần so với năm 2008, năm đầu tiên chương trình tổ chức.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao nhận thức nên đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong tốp 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, chiếm tỷ lệ 28% thì sau 5 năm con số này tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm 42%. Trong tốp 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ này tăng từ 20% năm 2018 lên tới 69,8% năm 2023. Hơn thế, chúng ta rất tự hào vì nhiều thương hiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới, như: Viettel, Vinamilk, TH True Milk…
- Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của các doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam?
- Có thể thấy, các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo báo cáo của Brand Finance năm 2023, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành viễn thông, ngân hàng, thực phẩm. Những thương hiệu này có nét chung là nỗ lực đầu tư vào công nghệ và hướng đến giá trị cộng đồng, từ đó có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, góp phần nâng cao vị thế trong bảng xếp hạng.
Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất và đứng thứ 234 trong “Bảng xếp hạng tốp 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2023”. Ngoài ra, Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong tốp 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực. Vinamilk cũng là một điển hình khi tiếp tục duy trì vị trí thứ 6 trong tốp 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và tốp 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa theo xếp hạng của Brand Finance.
Không đăng ký sở hữu trí tuệ là tự hại mình
- Theo ông, trong quá trình xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp còn có hạn chế khó khăn nào?
- Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp thường tập trung phát triển quy mô sản xuất nhằm tăng năng suất và sản lượng, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng, đổi mới sáng tạo để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp chưa dành nguồn lực xứng đáng cho xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ coi đó là khoản chi phí phải trả mà không coi đây là khoản đầu tư để phát triển bền vững nên tìm cách tiết giảm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng nhưng không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đã bị các đối thủ cạnh tranh đăng ký thương hiệu nên gặp nhiều khó khăn trong việc đòi lại quyền lợi và thương hiệu. Một số doanh nghiệp có nhận thức và kế hoạch đầu tư cho xây dựng, phát triển thương hiệu, nhưng năng lực thực hiện còn hạn chế, từ khâu thiết kế, phát triển sản phẩm đến chiến lược marketing, quảng bá, xúc tiến thương mại...
- Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cần làm gì để xây dựng và định vị thương hiệu của mình, thưa ông?
- Để xây dựng thành công một thương hiệu, ngoài vấn đề về chất lượng và sự khác biệt, doanh nghiệp cần quan tâm đến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm ở nước ngoài. Đây có thể xem là việc quan trọng để bảo đảm thành công cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp ngại đăng ký vì thủ tục rườm rà, rắc rối, chồng chéo, đã tạo cơ hội cho tình trạng ăn cắp mẫu mã để làm giả, làm nhái khá phổ biến.
Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên nghiên cứu, phát triển sản phẩm để tránh rơi vào tình trạng xuất khẩu các sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Mặt khác, việc kết nối với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài để xuất khẩu hàng thông qua hệ thống cung ứng cũng là cách để xây dựng thương hiệu. Và quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp về phát triển thương hiệu ở nước ngoài, từ đó dành nguồn lực phù hợp, coi đó là một khoản đầu tư dài hạn để nâng cao giá trị doanh nghiệp.
- Với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, năm 2024, Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
- Căn cứ vào mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã giao, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành xét chọn lần thứ 9 các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Đẩy mạnh tuyên truyền để tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh phương thức đào tạo trực tiếp, Bộ sẽ ứng dụng đào tạo trực tuyến (E-Learning) để nhân rộng các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp.
Thời gian tới, thay vì tập trung tuyên truyền, quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam, chương trình sẽ ưu tiên tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, chương trình sẽ đẩy mạnh, nhân rộng việc quảng bá sản phẩm ở ngoài nước và đưa vào ứng dụng hệ thống nhận diện thương hiệu quốc gia Việt Nam trên phạm vi quốc tế.
Bộ Công Thương cũng sẽ phát động, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp nhằm chung tay phát triển chương trình đúng với ý nghĩa, tầm vóc, vì một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị.
- Trân trọng cảm ơn ông!