Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thông tin về xây dựng dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Sáng 7-4, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về xây dựng dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thông tin với báo chí về Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thông tin với báo chí về Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã thực hiện tổng kết thi hành Luật Lưu trữ năm 2011; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức khảo sát thực tế; gửi lấy ý kiến góp ý, ý kiến phản biện bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 6-2023.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thông tin: Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến gồm 9 Chương, 48 Điều. Bên cạnh những nội dung kế thừa của Luật Lưu trữ năm 2011, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ gồm: Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; tài liệu lưu trữ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Trong số 4 chính sách nêu trên, vấn đề quản lý tài liệu lưu trữ tư được ngành lưu trữ và nhiều người quan tâm hơn cả. Luật Lưu trữ (sửa đổi) nêu rõ quy định giá trị của tài liệu lưu trữ tư; trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư; thành lập, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của tổ chức lưu trữ tư. Các quy định nêu trên nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.

Với mục tiêu phát triển lưu trữ tư, Nhà nước có những chính sách để công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư và tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Những quy định này vừa bảo đảm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tư, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Ngoài ra, những vấn đề trong Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng quy định rõ như: Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ việc bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tài liệu Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ; về hoạt động dịch vụ lưu trữ nêu rõ quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ và điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ; yêu cầu kinh doanh dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác

Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV (tháng 10-2023); trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 5-2024). Thời gian Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cuc-van-thu-va-luu-tru-nha-nuoc-thong-tin-ve-xay-dung-du-thao-luat-luu-tru-sua-doi-724238