Cục Xuất nhập khẩu: 'Khu thương mại tự do là động lực mới'

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khu thương mại tự do sẽ giúp thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu lưu chuyển hàng hóa nhanh giữa trong và ngoài nước.

 Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: VCCI.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: VCCI.

Tại Diễn đàn logistics vùng lần thứ V: "Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng" chiều 28/5, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - khẳng định vùng Đồng bằng sông Hồng có lợi thế lớn để thúc đẩy logistics khi vừa tiếp giáp với biển vừa tiếp giáp thị trường Đông Bắc Á, trong đó có Trung Quốc.

"Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế khi cơ sở hạ tầng chưa kết nối đồng bộ, chưa phát huy vai trò của đường sắt và đường thủy nội địa. Cần phải xem xét một số động lực đột phá mới như triển khai khu thương mại tự do (Free Trade Zone)", ông đánh giá.

Cơ sở pháp lý cho khu thương mại tự do chưa rõ ràng

Theo ông Trần Thanh Hải, khu thương mại tự do là loại hình mang lợi thế tổng hợp. Đó là khu phi thuế quan, là hình thái tổng hợp gồm doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cùng các doanh nghiệp logistics có thể cùng tham gia hoạt động.

Điều này tạo lợi thế lớn như thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu lưu chuyển hàng hóa nhanh giữa thị trường trong và nước ngoài.

"Khu thương mại tự do gắn với cảng biển, sân bay, cửa khẩu sẽ là trợ lực, cộng sinh cho cảng cũng như tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, qua đó lượng hàng hóa vào cảng, hàng hóa xuất nhập khẩu tăng lên, giúp cho dịch vụ logistics tăng lên", ông Hải nói.

Tuy nhiên, theo ông, vấn đề khó khăn hiện nay là cơ sở pháp lý cho khu thương mại tự do chưa thể hiện rõ ràng. Đây là điểm nghẽn và một số địa phương nỗ lực thiết lập khu thương mại tự do.

"Thành phố Đà Nẵng đang kiến nghị có cơ chế trong Nghị quyết đặc thù của Quốc hội để có thể được làm. Phải chăng, đây là cách làm để một số địa phương trong vùng có thể nghiên cứu, sớm đưa khu thương mại tự do vào hoạt động? Bên cạnh cơ chế, cần có quy hoạch và tìm được nhà đầu tư có năng lực", lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận.

Chia sẻ về khu thương mại tự do, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là hướng đi đúng đắn để tận dụng lợi thế của Việt Nam và địa phương để thúc đẩy kinh tế cả nước.

 Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực logistics và khu thương mại tự do. Ảnh: Nam Khánh.

Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực logistics và khu thương mại tự do. Ảnh: Nam Khánh.

Theo bà Minh, để các khu thương mại tự do hoạt động hiệu quả, cần nhiều yếu tố quan trọng. Trên góc độ vĩ mô, bà nhấn mạnh rằng các vùng kinh tế cần có chính sách thể chế và thực thi rõ ràng từ phía Chính phủ, cũng như các văn bản pháp luật cụ thể để giúp địa phương dễ dàng triển khai.

"Chính phủ cần đưa ra các quy định và tiêu chí rõ ràng liên quan đến những nội dung như thông tin, chứng thư điện tử hay thương mại xuyên biên giới để doanh nghiệp phát huy tối đa khả năng", bà nói.

Về mặt nguồn lực, theo bà Minh, Việt Nam đang chưa tận dụng được tối đa các hiệp định FTA đối với lĩnh vực trên. Bà cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng yếu tố hỗ trợ nguồn lực trong các hiệp định để có thể giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thuận lợi hơn nữa.

Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực logistics và khu thương mại tự do, vì vậy cần tận dụng lợi thế về địa lý và nhân lực.

"Với những tài nguyên có sẵn như cảng nước sâu và cảng biển truyền thống, đồng thời với nhiều kết quả trong trung chuyển hàng hóa và môi trường logistics, Hải Phòng hoàn toàn có thể trở thành thành phố vượt trội trong lĩnh vực này", bà Minh nói.

Theo bà, việc học hỏi từ các quốc gia khác rất cần thiết, đặc biệt là Trung Quốc với tốc độ thành lập khu thương mại thần tốc của họ.

Thời gian và thủ tục cản bước đầu tư

Bà Phạm Châu Giang - Giám đốc đối ngoại VinaCapital cho biết đối với các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực logictics, thị trường Việt Nam rất tiềm năng và đáng để đầu tư. Hiện, các tập đoàn đa quốc gia đang cân nhắc đầu tư vào các nước như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Philippines...

VinaCapital cũng đã kết hợp cùng A.P. Moller Capital thành lập nền tảng mở rộng đầu tư logistics ở Việt Nam với số vốn trên 300 triệu USD.

2024 là năm bản lề để Việt Nam thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia. Nhưng chính sách mới của Việt Nam có thể đến 2025 mới có hiệu lực, như vậy chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội.

Bà Phạm Châu Giang - Giám đốc đối ngoại VinaCapital

Tuy nhiên, theo bà Giang, thời gian và thủ tục đang là những yếu tố cản bước đầu tư tại Việt Nam.

Đơn cử, phần lớn dự án mà VinaCapital đang đàm phán để đầu tư đều gặp những rắc rối về pháp lý.

Trong khi đó, về thủ tục pháp lý, từ khi có ý tưởng về mặt chính sách cho đến khi chính sách được đi vào thực tiễn có thể mất khoảng hai năm hoặc lâu hơn thế.

"Các khách hàng quốc tế nhận định rằng 2024 là năm bản lề để Việt Nam thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia. Thế nhưng, chính sách mới của Việt Nam có thể đến năm 2025 mới có hiệu lực, nếu như vậy chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội", bà Giang nhìn nhận.

Theo đó, đại diện VinaCapital kiến nghị đẩy nhanh thời hiệu các chính sách mới và rút ngắn thời gian đề xuất, xây dựng cũng như ban hành các chính sách mới.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuc-xuat-nhap-khau-khu-thuong-mai-tu-do-la-dong-luc-moi-post1477885.html