Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, Dự án WB6: Loay hoay triển khai công trình hoàn trả
Công ty TNHH Mai Thanh đang hết sức lo lắng trước số phận công trình hoàn trả đường ống nước sạch của doanh nghiệp này, khi hiệp định vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện Dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (Dự án WB6) sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2023.
Chậm giải phóng mặt bằng
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc tiểu hợp phần A2, Dự án WB6 do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Đây là dự án sử dụng vốn vay của WB và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Hiệp định vay có hiệu lực tới ngày 30/6/2022.
Ngày 4/4/2008, Bộ GTVT ban hành Quyết định phê duyệt đầu tư số 883/QĐ-BGTVT; ngày 2/4/2014, ban hành quyết định điều chỉnh đầu tư Dự án WB6, trong đó yêu cầu chủ đầu tư, rà soát, cập nhật chính xác các chi phí bổ sung, điều chỉnh do thay đổi khối lượng, chế độ chính sách của nhà nước đảm bảo trong khuôn khổ tổng mức đầu tư đã duyệt tuân thủ các quy định hiện hành; phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngày 9/12/2016, Bộ GTVT tiếp tục phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 3961/QĐ-BGTVT, trong đó, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện theo Văn bản 1665/TTg - CN ngày 17/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ, tách công tác giải phóng mặt bằng thành các tiểu dự án độc lập và giao cho UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Các hạng mục công trình hoàn trả tại Tiểu hợp phần A2 cũng chỉ ghi nhận xây dựng hoàn trả các công trình hiện hữu khi đào kênh như đường dây điện, đường cáp quang, bến Đò Mười, hệ thống kênh mương, thủy lợi; sử dụng nguồn vốn xây lắp của Dự án để hoàn trả do Bộ GTVT thực hiện.
Tại cuộc họp về kiến nghị của Công ty TNHH Mai Thanh liên quan đến Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ và Dự án Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) được tổ chức vào tháng 6/2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã đánh giá, quá trình chuẩn bị và triển khai cả 2 dự án còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, nên dẫn tới phát sinh vướng mắc khi thực hiện Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ.
Khi xảy ra vướng mắc, Công ty Mai Thanh đã có văn bản kiến nghị, nhưng chính quyền địa phương, cơ quan quản lý có liên quan và Công ty Mai Thanh chậm phối hợp để trao đổi, thống nhất phương án xử lý kịp thời, dứt điểm.
Trong khi đó, Dự án Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân của Công ty TNHH Mai Thanh (Công ty Mai Thanh) được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 26/10/2015 của UBND tỉnh Nam Định.
Trước đó, trong quá trình xin chủ trương đầu tư và thi công nhà máy cung cấp nước sạch của mình, Công ty Mai Thanh chưa từng được thông báo về việc triển khai Dự án WB6. Thêm vào đó, tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để thi công Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (ngày 9/12/2019), UBND huyện Nghĩa Hưng cũng không đề cập đến công trình nước sạch của Công ty Mai Thanh.
Năm 2020, khi Ban Quản lý các dự án công trình đường thủy (Bộ GTVT) triển khai thi công dự án WB6, cắt ngang tuyến đường ống nước sạch của Công ty Mai Thanh, gây ra khiếu nại kéo dài, đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm.
Theo đại diện Công ty Mai Thanh, thời điểm Bộ GTVT phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cũng trùng với thời điểm dự án nước sạch khởi động nhiều thủ tục đầu tư, thi công. Tuy nhiên, dự án này và 3 công trình viễn thông khác đã bị “bỏ sót”, không nằm trong danh mục các công trình phải xây dựng hoàn trả.
Sau nhiều lần có ý kiến phản ánh, ngày 21/7/2021, Bộ GTVT mới ban hành Công văn số 7123/BGTVT-CQXD, về việc đưa công trình hoàn trả tuyến ống cấp nước của Công ty Mai Thanh và 3 công trình viễn thông vào danh mục đền bù.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Mai Thanh, việc đưa ra chính sách như trên của Bộ GTVT chưa thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, “về việc thực hiện bồi thường các công trình hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng: giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện”.
Thêm vào đó, việc đưa ra các quyết định về chính sách bồi thường công trình hạ tầng kỹ thuật cấp nước tương đương chuyên ngành cũng chưa xây dựng quy chế, chưa có hướng dẫn chi tiết định mức, khối lượng, quy cách, vật liệu chi tiết nào đối với hệ thống cấp nước sạch, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp nước... gây ra sự lúng túng của địa phương khi thực hiện, dẫn đến nhiều vấn đề tồn tại trong việc thiết kế phần hoàn trả có tính đặc thù liên quan. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, kéo dài tiến độ các dự án.
Chưa rõ “số phận” công trình hoàn trả
Ngày 28/2/2023, để đáp ứng thời gian kết thúc hiệp định (ngày 30/6/2023 - đã gia hạn 1 năm), Bộ GTVT có Văn bản số 1943/BGTVT-CQLXD gửi đến UBND tỉnh Nam Định về việc “Điều chỉnh đường ống cấp nước tạm của Công ty Mai Thanh phục vụ công tác cắt đê”.
Văn bản nêu: “Công tác cắt đê phía sông Đáy đang gặp khó khăn do vướng đường ống nước của Công ty Mai Thanh. Nguyên nhân được đưa ra là việc thiết kế, thi công hoàn trả đường ống nước chưa thực hiện được theo phương án Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định đã thống nhất, do chưa có sự đồng thuận của Công ty Mai Thanh”.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo UBND huyện Nghĩa Hưng và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương có phương án điều chỉnh vị trí đường ống nước tạm hiện hữu đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thi công cắt đê phía sông Đáy.
Sau khi có đơn khiếu nại của Công ty Mai Thanh liên quan tới văn bản trên, ngày 11/4/2023, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức một số cuộc họp để giải quyết các nguyện vọng của Công ty Mai Thanh.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Nam Định cũng đã yêu cầu UBND huyện Nghĩa Hưng chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế làm việc với Công ty Mai Thanh để xem xét các yếu tố kỹ thuật trong hồ sơ thiết kế tuyến ống nối tạm thời và hồ sơ hoàn trả hệ thống đường ống dẫn nước sạch qua Kênh nối Đáy - Ninh Cơ theo phương án đi nổi, trong ngày 12/4/2023.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty Mai Thanh cho biết, tại các buổi họp này, do nhận được cam kết về việc sử dụng đường ống nối tạm chỉ sử dụng trong vòng tối đa là 40 - 45 ngày, sau đó sẽ chuyển sang sử dụng đường ống hoàn trả chính, dự kiến tiến độ trước ngày 30/6/2023, nên Công ty Mai Thanh đã rút đơn, với mong muốn các bên tập trung vào việc thực hiện các dự án.
“Việc được cam kết tiến độ thực hiện đường ống hoàn trả chính, với tiến độ như vậy, là lý do tôi đề nghị rút đơn, không tiếp tục khiếu nại lần đầu đối với văn bản của Bộ GTVT, đồng thời chấp nhận sử dụng đường ống nối tạm thời, dù không biết chất lượng ra sao”, bà Thanh cho biết.
Thêm vào đó, Công ty Mai Thanh cũng đề nghị xem xét nhiều nội dung, trong đó có nêu việc đường ống cấp nước tạm không có sự thống nhất với Công ty, tiềm ẩn nhiều rủi ro an toàn cung cấp nước, cũng như lãng phí vốn ngân sách, do vật liệu được sử dụng từ phương án đi ngầm trước đó đã đưa ra.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, Công ty Mai Thanh chưa nhận đươc hồ sơ thiết kế do cơ quan hoàn trả cung cấp, cũng như hồ sơ sau thẩm tra, để chuyên gia kỹ thuật của Công ty được xem xét, góp ý trước khi được thẩm định hồ sơ thi công, tránh những sai sót không đáng có.
“Đây cũng là nguyện vọng chính đáng trong cương vị bên nhận hoàn trả công trình bị ảnh hưởng do thi công Dự án WB6, nhưng Công ty không nhận được thông tin, phối hợp từ các bên liên quan. Số phận của đường ống hoàn trả, cấp nước cho hơn 10.000 hộ dân ra sao, Công ty cũng không được biết, dù thời hạn Dự án chỉ còn 2 tuần”, bà Thanh lo lắng.
Liên quan tới vấn đề trên, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ tới UBND tỉnh Nam Định để tìm hiểu thông tin. Ngày 17/4/2023, cơ quan này có văn bản giao UBND huyện Nghĩa Hưng cung cấp thông tin theo quy định của Luật Báo chí, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.