Cúm gia cầm có đe dọa tính mạng con người?

Trong 2 năm qua, cúm gia cầm được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng triệu loài chim hoang dã và chim nuôi trên toàn thế giới. Nhưng có vẻ nó hầu như không chạm đến con người.

Sư tử biển đang bị giết chết bởi virus cúm gia cầm. Nguồn: AP.

Sư tử biển đang bị giết chết bởi virus cúm gia cầm. Nguồn: AP.

Theo ông Richard Webby - nhà nghiên cứu bệnh cúm tại Bệnh viện Nghiên cứu trẻ em St. Jude ở Memphis, Tennessee, điều này hơi khó hiểu một chút, mặc dù có một số lời giải thích đã được đưa ra. Nó có thể liên quan đến cách thức xảy ra lây nhiễm hoặc do các loài có sự khác biệt về điểm tiếp xúc cực nhỏ mà virus cúm cần để bén rễ và nhân lên trong tế bào.

Nhưng điều khiến các nhà khoa học phải đau đầu là liệu tình trạng đó có thay đổi hay không. Tiến sĩ Tom Frieden - cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện đang đứng đầu Resolve to Save Lives, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm ngăn chặn dịch bệnh cho biết, có rất nhiều điều chúng ta vẫn chưa lý giải được. Có lẽ giới khoa học phải vượt qua cách tiếp cận chủ quan “hi vọng điều tốt nhất”, bởi vì thực tế có thể thực sự tồi tệ.

Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, virus cúm có nguồn gốc từ chim là tiền thân của những tai họa khủng khiếp ở người, bao gồm cả đại dịch năm 1918 và 1957. Những virus này trở thành bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chúng lây lan từ động vật sang con người.

Tuy nhiên, dựa trên bằng chứng hiện tại, một số chuyên gia cho rằng, loại virus này khó có thể trở thành một bệnh lây lan chết người trên toàn cầu. Để đề phòng, các quan chức y tế Mỹ đang chuẩn bị vaccine và các chế phẩm khác. Nhưng họ vẫn trì hoãn những bước đi táo bạo hơn vì loại virus này không gây bệnh nghiêm trọng ở người và họ không có bằng chứng chắc chắn rằng nó lây lan từ người sang người.

Chủng virus cúm hiện đang lây lan được gọi là H5N1, lần đầu tiên được xác định ở loài chim vào năm 1959. Nó không thực sự khiến các quan chức y tế lo lắng cho đến khi đợt bùng phát ở Hồng Kông vào năm 1997 gây ra bệnh tật nghiêm trọng và tử vong ở người. Nó đã gây ra hàng trăm ca tử vong trên khắp thế giới, phần lớn trong số đó liên quan đến tiếp xúc trực tiếp giữa người và gia cầm bị nhiễm bệnh. Khi có sự lây lan rõ ràng giữa mọi người, nó liên quan đến sự tiếp xúc rất gần gũi và lâu dài trong các hộ gia đình.

Tuy nhiên, giống như các loại virus khác, virus H5N1 đã biến đổi theo thời gian. Trong vài năm gần đây, một chủng đặc biệt đã lây lan nhanh chóng và rộng rãi đáng báo động.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dịch bệnh bùng phát ở động vật đã được báo cáo tại hàng chục trang trại bò sữa và hơn 1.000 đàn gia cầm tại Mỹ. 4 trường hợp nhiễm bệnh ở người đã được phát hiện trong số hàng trăm nghìn người làm việc tại các trang trại chăn nuôi gia cầm và bò sữa, mặc dù đó có thể là con số chưa đầy đủ. Trên toàn thế giới, các bác sĩ đã phát hiện 15 ca nhiễm bệnh ở người do chủng cúm gia cầm lưu hành rộng rãi gây ra, nhưng hầu hết mọi người đều không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Không có cách nào để biết có bao nhiêu loài động vật đã bị nhiễm bệnh, nhưng một số sinh vật dường như đang mắc bệnh nặng hơn. Cúm thường được coi là một bệnh về phổi, nhưng virus cũng có thể tấn công và nhân lên ở các bộ phận khác của cơ thể. Lấy ví dụ ở mèo, các nhà khoa học đã tìm thấy virus tấn công não, làm tổn thương và đông máu các mạch máu, gây co giật và tử vong. Những cái chết tương tự cũng được báo cáo ở các loài động vật khác, bao gồm cả những con cáo ăn xác chim bị nhiễm bệnh.

Không giống như mèo, bò phần lớn không bị nhiễm virus cúm. Theo USDA, chỉ chưa đầy 10% số bò trong đàn bò sữa bị ảnh hưởng. Những con bị lây nhiễm có triệu chứng sốt, hôn mê, chán ăn và tăng tiết dịch hô hấp. Nhiễm trùng ở bò phần lớn tập trung ở bầu vú của động vật đang cho con bú.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu xem virus lây lan từ bò này sang bò khác như thế nào, họ cho rằng con đường phơi nhiễm chính không phải là các giọt trong không khí do ho hay hắt hơi. Đó là sự tiếp xúc trực tiếp, có thể thông qua thiết bị vắt sữa dùng chung hoặc lây lan từ những người công nhân vắt sữa.

Virus cúm cũng cần bám vào các tế bào trước khi chúng có thể lây lan. “Nếu nó không bám được vào tế bào thì sẽ virus chỉ có thể bơi xung quanh và sẽ không có gì xảy ra” - ông Juergen Richt - nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Kansas giải thích.

Nhưng những điểm tiếp xúc đó, các thụ thể axit sialic không được tìm thấy đồng đều trên khắp cơ thể và giữa các loài khác nhau. Một nghiên cứu gần đây đã ghi nhận sự hiện diện của các thụ thể thân thiện với cúm gia cầm trong tuyến vú của bò sữa.

Đỏ mắt là triệu chứng phổ biến ở những người bị nhiễm chủng cúm gia cầm hiện nay. Một số nhà khoa học lưu ý rằng, mắt người có các thụ thể mà virus có thể liên kết. Những người vắt sữa có tầm mắt ngang với bầu vú bò và việc bắn nước là chuyện bình thường.

Vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến việc tại sao những người nông dân ở Mỹ lại không bị nhiễm virus? Một số chuyên gia nghi ngờ liệu con người có một mức độ miễn dịch nào đó do đã từng tiếp xúc với các dạng bệnh cúm khác hoặc do tiêm chủng hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu các mẫu máu người tiếp xúc với virus cho thấy, có rất ít hoặc không có khả năng miễn dịch đối với phiên bản virus này, kể cả ở những người đã tiêm phòng cúm theo mùa.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cum-gia-cam-co-de-doa-tinh-mang-con-nguoi-10284165.html