Cụm nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa: Điển hình về quy mô và tiến độ

Sau 8 tháng khẩn trương thi công trong bối cảnh khối lượng công việc lớn, lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng công trình Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 và Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 đã về đích trước thời hạn đúng theo cam kết với UBND tỉnh Gia Lai. Đây được xem là 2 nhà máy thuộc nhóm công trình điện gió có tiến độ thực hiện nhanh nhất của cả nước và được đánh giá là điển hình về quy mô và tiến độ.

Sáng 14-1, Trạm 500 kV Pleiku 3, Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 do Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một làm chủ đầu tư; Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 do Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai làm chủ đầu tư đã tổ chức lễ khánh thành. 2 Công ty thuộc Tập đoàn TRE (Technology Resources Energy).

Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 và Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 là cụm nhà máy điện gió lớn nhất Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo

Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 và Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 là cụm nhà máy điện gió lớn nhất Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo

Cụm nhà máy lớn nhất Gia Lai đi vào hoạt động

Được khởi công từ tháng 3-2021, Trạm 500 kV Pleiku 3, Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1, Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 đã hoàn thành đúng tiến độ đặt ra trước ngày 31-10-2021. Đây là một trong các dự án nhà máy điện gió đầu tiên đi vào hoạt động tại Gia Lai, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng gió ở địa phương và phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo mà tỉnh đang khuyến khích đầu tư.

Về quy mô 2 dự án, Trạm 500 kV Pleiku 3, Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 và Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 được xây dựng trên địa bàn các xã Trang, Ia Pết, Glar, A Dơk, Ia Băng (huyện Đak Đoa) và phường Chi Lăng, xã Ia Kênh (TP. Pleiku). Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 có công suất thiết kế gần 100 MW với 22 trụ tua bin gió (4,5 MW/trụ); tổng vốn đầu tư 3.695 tỷ đồng; sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước tính gần 275 triệu kWh/năm. Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 có công suất thiết kế gần 100 MW với 22 trụ tua bin gió (4,5 MW/trụ); tổng vốn đầu tư 3.636 tỷ đồng; sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước tính hơn 253 triệu kWh/năm.

Trạm biến áp 220kV tại Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Vũ Thảo

Trạm biến áp 220kV tại Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Vũ Thế Danh-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một và Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai cho biết: Với yêu cầu về phát triển nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho nguồn điện quốc gia, Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một và Số Hai đã nghiên cứu xây dựng 2 dự án nhà máy điện gió có tổng công suất gần 200 MW. Toàn dự án có các hợp phần chính như xây dựng và lắp đặt 44 trụ tua bin phát điện gió; lắp đặt các tuyến cáp ngầm; xây dựng mới trạm biến áp 220 kV, 500 kV Pleiku 3; đường dây 220 kV mạch kép… “Từ ngày 28-10-2021, Công ty đã đưa cả 2 nhà máy vào khai thác chính thức sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn theo quy định của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Có được thành công này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các nhà thầu trong và ngoài nước. Đặc biệt, là sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân trên địa bàn các xã, phường thuộc dự án”-ông Danh nói.

Với vai trò là nhà tài trợ tín dụng cho 2 dự án điện gió, ông Trịnh Văn Tuấn-Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) chia sẻ: “Ngay từ khi OCB tiếp cận dự án đã đánh giá rất cao tính khả thi của dự án và coi đây là cơ hội đầu tư của ngân hàng. Với đặc thù dự án phải triển khai trong thời gian rất ngắn, trong khi quy mô tới gần chục ngàn tỷ đồng thì đó là thách thức lớn đối với nhà đầu tư, cũng như ngân hàng. Để xét duyệt cho một khoản tài trợ lớn như vậy thì phía ngân hàng rất áp lực, nếu như dự án không kịp tiến độ đề ra để hưởng giá ưu đãi thì qua thời hạn đó dự án coi như không thật sự thành công. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi luôn theo dõi rất sát sao và thấy rằng các hạng mục được triển khai đúng thời hạn đề ra và càng về sau áp lực về thời gian càng lớn, nhưng rồi cũng vỡ òa cảm xúc khi dự án về đích trước thời hạn 2 ngày. Chúng tôi đánh giá rất cao khả năng tổ chức, sắp xếp, quản trị điều hành của ban lãnh đạo Công ty”.

Nhà máy điển hình về quy mô và tiến độ

Sau 8 tháng tích cực triển khai thi công, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, đến cuối tháng 10-2021, 2 nhà máy đã vận hành thương mại toàn phần. Đây được xem là 2 nhà máy thuộc nhóm công trình điện gió có tiến độ thực hiện nhanh nhất của cả nước và được đánh giá là điển hình về quy mô và tiến độ. Khi đi vào hoạt động, 2 nhà máy sẽ bổ sung thêm một nguồn năng lượng quan trọng cho đất nước, đóng góp một phần vào ngân sách của địa phương. Đồng thời, sẽ phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Ngoài ra, các dự án điện gió còn tạo ra một hình ảnh mới, tích cực cho ngành du lịch của tỉnh nhà.

Vì thời gian cao điểm đẩy nhanh tiến độ dự án lại rơi đúng vào mùa mưa, thêm vào đó tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên nhà thầu cũng như các đơn vị thi công thường xuyên làm việc trong điều kiện chịu nhiều áp lực, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng-chống dịch vừa đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 2 dự án được hoàn thành đúng tiến độ đã thể hiện sự quyết tâm cao của chủ đầu tư cũng như sự nỗ lực phối hợp của các nhà thầu: Công ty Liên danh Tổng thầu EPC Powerchina Việt Nam và Powerchina Huadong, Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thương mại Thành An-Công ty cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần Xây lắp Điện 1; đơn vị tư vấn: Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1, Công ty cổ phần Tư vấn Xây lắp Điện 4, Underwriters Laboratories (UL), Công ty cổ phần EVN Quốc tế; đơn vị vận chuyển: Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài, Công Ty cổ phần Tiếp vận Quốc tế Quang Anh…

Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện nhà đầu tư, nhà tài trợ và nhà thầu cắt băng khánh thành. Ảnh: Vũ Thảo

Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện nhà đầu tư, nhà tài trợ và nhà thầu cắt băng khánh thành. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Võ Hồng Quang-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn Xây lắp Điện 1-chia sẻ: “Với thế mạnh là tổng thầu các công trình điện quy mô lớn, chúng tôi đã hoàn thành nhiều dự án lớn, trọng điểm trong cả nước. Chúng tôi rất vinh dự được chủ đầu tư của 2 dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 và 2 lựa chọn là Tổng thầu EPC phần lưới điện. Mặc dù dự án thi công trong những tháng mùa mưa, cộng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giao thông bị đình trệ, đặc biệt là những tháng trọng điểm ở cuối dự án liên quan đến các thủ tục, chuyên gia, logistics. Nhưng, với sự nỗ lực của công ty cũng như sự điều hành linh hoạt của chủ đầu tư, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đơn vị đối tác tham gia dự án, gói thầu đã hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư đóng điện, mở ra nút thắt quan trọng để COD-vận hành thương mại toàn bộ nhà máy, góp phần không nhỏ đưa dự án vào nhóm những công trình có tiến độ thực hiện nhanh nhất của cả nước”.

Tương tự, ông Nguyễn Tiên Phong-đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn-cho hay: “Đối với dự án điện gió, khó khăn nhất đó là việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng trên quãng đường dài. Quá trình đó, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ phía các đối tác, chủ đầu tư và chính quyền địa phương”.

Trao 200 suất quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Vũ Thảo

Trao 200 suất quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Vũ Thảo

Nói về những nỗ lực của chủ đầu tư để đưa 2 dự án Nhà máy điện gió về đích trước thời hạn, ông Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Tập đoàn TRE đã nỗ lực hoàn thành các thủ tục, đảm bảo đúng tiến độ đưa 2 nhà máy điện gió đi vào hoạt động. Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 và Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 là cụm nhà máy điện gió có quy mô công suất lớn nhất của tỉnh, được hòa lưới điện toàn phần đúng tiến độ. Đây sẽ là động lực và kinh nghiệm cho các dự án điện gió khác đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với chủ trương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời đề nghị Tập đoàn TRE tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng và các lĩnh vực có thế mạnh khác của địa phương như nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp để góp phần xây dựng tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Tây Nguyên.

Năm 2021, tỉnh Gia Lai đã được quy hoạch và triển khai đầu tư 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 43.000 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31-10-2021, đã có 11 dự án điện gió với tổng công suất 563 MW được công nhận vận hành thương mại đúng tiến độ và là một trong các địa phương đứng đầu cả nước về tiến độ triển khai thi công các dự án điện gió. Trong đó, riêng 2 dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 và Ia Pết-Đak Đoa 2 thuộc nhóm công trình có tiến độ thực hiện nhanh nhất của cả nước, được đánh giá là điển hình về quy mô và tiến độ.

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1725/202201/cum-nha-may-dien-gio-ia-pet-dak-doa-dien-hinh-ve-quy-mo-va-tien-do-5763291/