Cụm tiêu điểm: Chiến dịch Nghị viện vì hành tinh và đóng góp của Quốc hội Việt Nam

Chiến dịch nghị viện vì hành tinh; Ngày Nghị viện thế giới - Đóng góp của Quốc hội Việt Nam; Sẽ nghiêm túc thanh tra toàn diện ngành điện;... Là những tin tức nổi bật có trong cụm tiêu điểm 30/6.

CHIẾN DỊCH NGHỊ VIỆN VÌ HÀNH TINH

Hôm nay (30/6/2023), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) kỷ niệm Ngày Quốc tế Nghị viện và 134 năm thành lập IPU. Quan tâm chính của IPU năm nay là về hành động chống biến đổi khí hậu của các nghị viện. Tại Đại hội đồng IPU 146 tổ chức tại Manama, Bahrain, tháng 3 vừa qua, IPU đã phát động chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh (Parliaments for the Planet) để huy động các nghị viện và các nghị sĩ hành động vì sự nguy cấp của vấn đề biến đổi khí hậu.

Chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh bao gồm hai phần chính. Thứ nhất là cổ vũ các nghị viện và các thành viên công tác tại nghị viện sống “xanh” hơn. Và thứ hai là đẩy mạnh hiệu quả của công tác lập pháp, quyết định ngân sách và giám sát chính phủ của các nghị viện, nhằm thực hiện thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, hướng đến Hội nghị COP 28 vào tháng 11 năm nay. Vậy các nghị viện đã và đang cải tiến hoạt động của mình như thế nào để trở nên “xanh” hơn, thân thiện hơn với môi trường. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.

NGÀY NGHỊ VIỆN THẾ GIỚI: ĐÓNG GÓP CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Bên cạnh việc khuyến khích các nghị viện thay đổi trong phương thức hoạt động để giảm phát thải, trở nên “xanh” hơn, Chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Gia nhập Liên minh nghị viện thế giới từ năm 1979, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện vai trò là thành viên chủ động, tích cực đóng góp vào mục tiêu chung của IPU, trong đó có các mục tiêu về khí hậu. Quyết tâm của Việt Nam không chỉ được khẳng định tại các diễn đàn của IPU, mà còn thể hiện rõ ràng trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định về ngân sách của Quốc hội.

Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có 01 chương về Ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26, thể hiện quyết tâm hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đồng hành với mục tiêu này, trong năm 2022, Quốc hội đã tiến hành giám sát việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được lãnh đạo Quốc hội Việt Nam khẳng định rõ ràng trên diễn đàn liên nghị viện thế giới. Tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh vai trò của cơ quan lập pháp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khẳng định: “Là đại biểu Quốc hội, chúng ta cần ủng hộ, đồng hành và giám sát, thúc đẩy Chính phủ hành động mạnh mẽ”.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác liên nghị viện trong gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham gia tích cực, sâu rộng vào Diễn đàn liên nghị viện thế giới sẽ là cơ hội để Quốc hội Việt Nam tăng cường kết nối với các nghị viện trên toàn cầu và các tổ chức quốc tế, từ đó bổ sung nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cum-tieu-diem-chien-dich-nghi-vien-vi-hanh-tinh-va-dong-gop-cua-quoc-hoi-viet-nam-181288.htm