Vụ hãm hại người thân bằng Xyanua: Người bán chất độc chết người có liên đới?

Sau vụ đầu độc 4 người thân bằng xyanua ở Đồng Nai và các vụ tương tự xảy ra thời gian qua, điều được nhiều người quan tâm là, người bán chất độc chết người này có bị xử lý hình sự?

Cách đây không lâu, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra vụ án gây chấn động dư luận. Kẻ thủ ác chính là con gái ruột đã tới chợ Kim Biên (TP.HCM) mua xyanua về đầu độc cha rồi giấu xác, đốt nhà để che giấu tội ác.

Trước đó tại Thái Bình, Lại Thị Kiều Trang là em họ chị Đ.T.H.Y có quan hệ bất chính với anh P.V.Q, chồng chị Y. Do cảm thấy có lỗi với vợ con nên vào tháng 10/2019, anh Q chia tay Trang, khiến đối tượng này nảy sinh ý định tự tử.

Sau đó, Trang đã tìm mua chất độc Natri xyanua dạng lỏng, đặt trà sữa rồi dùng xi lanh bơm chất độc vào cốc trà rồi mang đến chỗ làm cho chị Y. Do chị Y không có ở đó nên nhờ đồng nghiệp nhận giúp.

Sáng hôm sau, chị N.T.H - đồng nghiệp của chị Y - thấy trà sữa trong tủ lạnh đã lấy uống và tử vong. Trang đã bị tòa tuyên án tử hình về tội giết người.

Đối tượng Nguyễn Thị Hồng Bích - kẻ đầu độc người thân trong gia đình ở Đồng Nai đã bị bắt, khởi tố về hành vi giết người và chai thuốc chứa xyanua được tìm thấy

Đối tượng Nguyễn Thị Hồng Bích - kẻ đầu độc người thân trong gia đình ở Đồng Nai đã bị bắt, khởi tố về hành vi giết người và chai thuốc chứa xyanua được tìm thấy

Được biết, hóa chất là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên ngoài tuân thủ luật kinh doanh chung, các cơ sở kinh doanh còn phải đáp ứng các tiêu chí an toàn, kho bãi... mới được cấp giấy phép hoạt động. Tuy vậy, tại một số chợ và trên mạng, việc mua bán hóa chất (trong có có chất độc như xyanua) vẫn diễn ra khá nhộn nhịp và dễ dàng, hầu như không có bất kỳ sự giám sát, quản lý nào.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, xyanua được xếp vào loại "chất độc đầu bảng" có thể gây nguy hiểm chết người dù với lượng rất nhỏ. Song điều đáng nói là, hiện nay pháp luật không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua. Đồng thời, cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán.

Vừa qua, nhiều đối tượng sử dụng xyanua đầu độc người khác đã bị xử lý hình sự về hành vi giết người, bị tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình. Tuy vậy, để tránh xảy ra những vụ việc tiếp theo thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự người bán chất độc để răn đe.

Cũng theo luật sư Thu, điều 23 Luật Hóa chất 2007 nêu rõ, xyanua là hóa chất nguy hiểm, có tính độc cao nên việc mua bán phải có phiếu kiểm soát thể hiện thông tin cá nhân người mua người bán, số lượng, mục đích, chữ ký...

Trường hợp người mua bán xyanua vi phạm quy định về phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc có thể bị phạt hành chính với số tiền từ 100.000 đồng - 1 triệu đồng (điều 21 nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất).

Nếu bên bán không có giấy phép kinh doanh hoặc việc mua bán không đáp ứng đủ điều kiện theoquy định thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, có thể bị xử lý hình sự về tội mua bán trái phép chất độc.

Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất độc thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội có tổ chức; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Phạm tội làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 15-20 năm hoặc tù chung thân - luật sư Thu nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-ham-hai-nguoi-than-bang-xyanua-nguoi-ban-chat-doc-chet-nguoi-co-lien-doi-post582528.antd