Cụm từ không tổng thống Mỹ nào muốn nghe
Những ngày này, cụm từ 'công tố viên đặc biệt' luôn văng vẳng bên tai ông Joe Biden. Đó là từ không tổng thống nào muốn nghe.
Công tố viên đặc biệt là những luật sư độc lập, thường do Bộ trưởng Tư pháp chỉ định, có nhiệm vụ xem xét các hành động liên quan đến một tổng thống hoặc chính quyền của ông.
Đó là những người đã điều tra hàng loạt bê bối trong lịch sử Mỹ, chẳng hạn Watergate, Iran-Contra, Whitewater hay Teapot Dome.
Chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush từng bị điều tra vì tiết lộ danh tính của một điệp viên CIA. Một công tố viên đặc biệt khác cũng từng kiểm tra hoạt động kinh doanh công ty của cựu Tổng thống Jimmy Carter và hồ sơ thuế của gia đình ông, theo Washington Post.
Kể từ sau nhiệm kỳ của ông Carter, chỉ có cựu Tổng thống Barack Obama bước ra khỏi Nhà Trắng mà không bị công tố viên đặc biệt nào điều tra.
Hai công tố viên đặc biệt
Hiện nước Mỹ có hai công tố viên đặc biệt tiến hành song song hai cuộc điều tra. Một người là luật sư Jack Smith, đang xem xét nhiều cáo buộc liên quan đến cựu Tổng thống Donald Trump, từ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 cho đến việc xử lý tài liệu mật và hành vi từ chối hợp tác, khiến FBI phải khám xét dinh thự Mar-a-Lago.
Người còn lại, vừa được bổ nhiệm trong tuần này, là Robert Hur. Ông Hur sẽ xem xét các tài liệu mật được tìm thấy ở văn phòng nơi ông Biden sử dụng sau nhiệm kỳ phó tổng thống tại Washington, và số tài liệu nằm trong nhà xe tại nhà riêng của ông ở Wilmington, Delaware, theo CNN.
Ông Hur từng được bổ nhiệm vào nhiều vị trí dưới thời chính quyền đảng Cộng hòa, bao gồm cả nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông từng là thư ký luật cho các thẩm phán liên bang do cựu Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm. Chức vụ cao nhất của ông Hur là trợ lý cho Giám đốc FBI Christopher Wray.
Trong khi đó, ông Smith từng làm việc tại Bộ Tư pháp dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama và có kinh nghiệm điều tra nhiều quan chức.
Khi làm việc tại Bộ Tư pháp, ông từng tham gia quyết định truy tố cựu Thống đốc Virginia Bob McDonnell - một đảng viên Cộng hòa bị kết tội tham nhũng. Ông cũng tham gia truy tố cựu Thượng nghị sĩ John Edwards - đảng viên Dân chủ.
Cả ông Biden và ông Trump đều phủ nhận cáo buộc, song họ có cách phản ứng rất khác nhau. Nhà Trắng đã cam kết hợp tác với ông Hur. Ngược lại, ông Trump liên tục phủ nhận ông Smith.
“Công tố viên đặc biệt được chỉ định phụ trách vụ kiện, Jack Smith, là một người ghét Trump, vợ của (Smith), bạn bè và các thành viên khác trong gia đình ông này thậm chí còn (có thái độ) tệ hơn", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth, theo Independent.
Công tố viên đặc biệt có nhiệm vụ điều tra các tổng thống và chính quyền của họ. Tuy nhiên, họ cũng có những giới hạn nhất định.
Từ năm 1978 đến năm 1999, Bộ trưởng Tư pháp có thể yêu cầu hội đồng ba thẩm phán chỉ định một công tố viên độc lập và gần như có toàn quyền đưa ra cáo buộc. Nhưng gần đây, Bộ trưởng Tư pháp đã trực tiếp bổ nhiệm công tố viên đặc biệt. Họ có một số quyền tự chủ, song vẫn phải báo cáo với Bộ trưởng Tư pháp.
Do đó, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland hoặc những người kế nhiệm ông, sẽ là người cuối cùng quyết định phải làm gì với kết quả điều tra của ông Smith và ông Hur.
Ít điểm chung
Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden khẳng định sẽ hợp tác với công tố viên đặc biệt, thực tế cho thấy có những điểm nghi vấn trong cách phản ứng của Nhà Trắng.
Các luật sư của Tổng thống Biden đã tìm thấy tài liệu mật trong văn phòng cũ của ông vào tháng 11/2022 và tại nhà riêng của ông vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, trong lần lên tiếng đầu tiên vào tháng 1, họ không đề cập đến số tài liệu được tìm thấy trong nhà riêng.
“Điều này không chỉ khiến ông Biden trông như đang che giấu điều gì đó, mà còn tăng khả năng dẫn đến một vụ bê bối ở Washington”, cây bút Stephen Collinson của CNN viết hôm 13/1.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ nhận định này, lập luận rằng họ đã tự tiết lộ tất cả tài liệu mật.
“Khi luật sư của tổng thống phát hiện số tài liệu này, họ đã liên hệ với Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia và Bộ Tư pháp. Đó là những gì họ cần làm”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết hôm 12/1.
Nhóm phóng viên của CNN từng công bố báo cáo chuyên sâu về những ngày cuối trong nhiệm kỳ phó tổng thống của ông Biden vào đầu năm 2017 - khoảng thời gian số tài liệu mật có thể đã được chuyển đến nhà riêng và văn phòng cũ của ông.
Theo báo cáo của CNN, có 10 tài liệu mật bao gồm các bản ghi thông tin tình báo của Mỹ, tài liệu tóm tắt về các vấn đề như Ukraine, Iran và Vương quốc Anh.
Mặc dù hai cuộc điều tra được tiến hành song song, một số chuyên gia nhận định không thể đánh đồng hai trường hợp. Vấn đề lớn đối với ông Trump là việc từ chối giao tài liệu mật cho Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia, và cản trở nỗ lực thu hồi của chính phủ.
“Dựa trên những diễn biến hiện nay, ông Biden khó có thể bị buộc tội. Trong khi đó, ông Trump có nguy cơ cao, vì hành vi cản trở và các yếu tố khác trái ngược với ông Biden”, Norm Eisen, luật sư từng hỗ trợ đảng Dân chủ trong cuộc luận tội đầu tiên của ông Trump, nói với CNN.
“Cả hai cuộc điều tra đều có công tố viên đặc biệt và liên quan đến tài liệu mật, nhưng ít có điểm chung khác”, ông kết luận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cum-tu-khong-tong-thong-my-nao-muon-nghe-post1394458.html