Cung cấp hàng thiết yếu cho dân, đã bớt căng thẳng

Bên cạnh việc khơi thông nguồn cung, TPHCM còn mở nhiều kênh bán thực phẩm thiết yếu, mở lại chợ dân sinh… giúp người dân yên tâm mua sắm. Tại Hà Nội, sau ngày mua sắm tăng đột biến, siêu thị đã đầy ắp hàng trở lại.

Dân chọn mua hoa quả tại Bưu cục quận 5 Ảnh: U.P

TPHCM: Cần là có

Trưa ngày 20/7, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh An Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) khá vắng người mua sắm. Trên các quầy kệ, các loại rau, củ quả đầy ắp. “Rau muống nước 8.000 đồng/kg, dưa hấu 17.000 đồng/kg, cánh gà 83.000 đồng/kg… tôi đến là mua được ngay, không phải chờ đợi xếp hàng như trước”, chị Phương Vy (ngụ chung cư Lê Thành) chia sẻ.

Trong khi đó, Bưu cục quận 5 đã bắt đầu bán thêm rau, củ quả gần một tuần nay, bên cạnh thịt, trứng… cho khách. Mặc dù hàng hóa chưa phong phú nhưng đa số khách hàng đều hài lòng, vì không phải chờ đợi, giá cả bình ổn được niêm yết cụ thể. Bà Trần Thị Thu Thanh, Trưởng Bưu cục quận 5 cho biết: “Bán hàng tại đây nhằm giảm tải cho các kênh siêu thị hay online. Đây là địa điểm thuận tiện nhất cho những người dân xung quanh đây có thể đến mua hàng”.

TPHCM mở lại chợ truyền thống

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đã ký văn bản khẩn về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn đến nhiều sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Theo đó, TPHCM yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng chống dịch COVID-19 của các chợ đang hoạt động và nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ đang tạm ngưng hoạt động; trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng chống dịch để bảo đảm việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân địa phương được nhanh chóng, kịp thời và an toàn. Phương án gửi về UBND TP (thông qua Sở Công Thương) trước ngày 23/7.

Uyên Phương

Ghi nhận nhiều siêu thị TPHCM thấy, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định. Tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức), không còn cảnh người dân rồng rắn xếp hàng, chờ đợi hàng giờ để mua thực phẩm như trước. Bên trong siêu thị, các loại rau củ, thịt cá đầy quầy kệ.

Đại diện Ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, từ ngày 19/7 hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam đều thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Do đó, việc giao hàng của nhà cung cấp phải qua rất nhiều chốt, đặc biệt là nhà cung cấp ở các tỉnh. Vì vậy, thời gian giao hàng đến các địa điểm của hệ thống Satra cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ này cho biết, vẫn đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng với giá cả ổn định.

Hiện tại, TPHCM có 44 chợ đang hoạt động. Chợ Phú Thọ (Q.11, TPHCM) đã bán thí điểm mặt hàng tươi sống được vài ngày qua với nhiều giải pháp đi cùng như giãn cách các sạp bán từ 2m trở lên, chỉ di chuyển một chiều… Hai chuyến tàu cao tốc đầu tiên chở theo 40 tấn rau củ từ các tỉnh miền Tây đã cập bến Bạch Đằng (Q.1, TPHCM) chiều ngày 19/7, giúp tạo thêm một con đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM.

Hà Nội: Hết cảnh chen chúc

Sau 2 ngày Hà Nội siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19, nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm của người dân đã trở lại trạng thái bình thường, không còn cảnh mua gom bất chấp như xảy ra chiều tối 18/7.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống Kim Liên, Thái Hà, Nguyễn Công Trứ, Quán Tình (Hà Nội), hai ngày 19-20/7, các mặt hàng thiết yếu, rau xanh, thịt lợn nguồn cung tương đối ổn định, người mua không quá đông đúc.

Tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn vẫn dao động quanh mức 150.000 đồng/ kg, cao nhất gần 200.000 đồng/ kg sườn non. Tuy nhiên, rau xanh có dấu hiệu tăng giá, một số loại tăng gần gấp đôi: rau cải, rau muống. Các loại củ quả có thể để lâu như bí xanh, mướp, khoai tây cũng tăng nhẹ khoảng 30%. Tiểu thương cho hay, giá rau củ tăng giá, thường hết hàng sớm là do nhiều người vẫn còn tâm lý tích trữ, thậm chí mua hộ cho người thân ở những khu vực cách ly.

Trong khi giá rau tại chợ truyền thống tăng, thì tại các hệ thống siêu thị giá được giữ ổn định. Tại siêu thị Big C Thăng Long, Vinmart Thăng Long (quận Cầu Giấy), Hapro Thành Công (quận Ba Đình) giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, cải bắp trắng 12.500 đồng/kg… và được bán với số lượng không giới hạn.

Còn đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại khu vực Hà Nội, nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa, giúp người dân yên tâm chống dịch, hệ thống siêu thị Big C tăng cường nguồn cung hàng hóa. Với thực phẩm tươi sống, dự trữ đảm bảo cung cấp đủ, với kế hoạch tăng gần 100% lượng hàng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Với thực phẩm khô tăng 30% so với ngày thường.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Tổng giá trị hàng hóa (15 mặt hàng thiết yếu) khoảng 194.000 tỷ đồng và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.

Uyên Phương - Ngọc Mai - Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cung-cap-hang-thiet-yeu-cho-dan-da-bot-cang-thang-post1357536.tpo