Cung cấp nhiên liệu cho máy bay từ những nồi lẩu thừa ở Trung Quốc

Tận dụng lượng dầu ăn thừa từ những nồi lẩu ở Trung Quốc để tái tạo thành nhiên liệu bền vững, giúp ngành hàng không xanh hóa.

Ngành hàng không là một trong những ngành công nghiệp cần thiết số 1 trên thế giới, nhưng đồng thời nó cũng là mối nguy hại cho môi trường khi tạo ra khoảng 2% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Ngành này đang chịu áp lực phải làm thế nào để có thể chuyển hóa xanh, vừa thân thiện môi trường mà vẫn tối ưu hóa chi phí.

Theo Bloomberg, câu trả lời cho vấn đề này chính là tìm ra nguồn nhiên liệu bền vững. Và dầu thải từ nhà bếp được xem là một nguồn nhiên liệu máy bay bền vững chính, vì nó không đòi hỏi thay thế chuỗi sản xuất lương thực hay khuyến khích phá rừng.

Trung Quốc được xem là một quốc gia tiêu thụ dầu ăn nhiều nhất, hơn 41 triệu tấn mỗi năm. Chẳng hạn như một thành phần không thể thiếu để làm nên món lẩu Tứ Xuyên của Trung Quốc, đó là thật nhiều dầu, mỡ. Khi thực khách nhúng thịt vào trong nồi nước lẩu cay, sóng sánh váng mỡ động vật, sau đó lại nhúng từng miếng thịt vào đĩa nước chấm chứa nhiều dầu thực vật rồi mới thưởng thức chúng. Những món ăn giàu chất béo này cũng tạo ra khoảng 12.000 tấn dầu thải mỗi tháng, nếu chỉ tính riêng ở thành phố Chengdu (Trung Quốc).

Năm 2016, Jinshang Sichuan, một công ty khởi nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu dầu mỡ thừa từ các nhà hàng Trung Quốc sang Singapore và châu Âu. Tại đây, lượng dầu mỡ thừa sẽ được tái chế thành nhiên liệu tinh khiết để cung cấp năng lượng cho máy bay.

Theo đó, công ty sẽ loại bỏ các tạp chất, sơ chế thành dầu hỗn hợp công nghiệp và vận chuyển xuống tàu xuất khẩu sang các công ty sản xuất nhiên liệu sạch trên thế giới. Lượng dầu hỗn hợp này sẽ tiếp tục được tinh chế thành dầu diesel sinh học hoặc nhiên liệu máy bay.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho dầu thừa có thể tái chế thành nhiên liệu", Phó chủ tịch Zhong Guojun của Jinshang Sichuan.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thắt chặt chính sách của mình, yêu cầu các máy bay và sân bay của họ pha trộn nhiên liệu bền vững với nhiên liệu máy bay thông thường của họ. Ban đầu, tỷ lệ mục tiêu pha trộn được đặt ra là 5% vào năm 2030 và tăng lên 85% từ năm 2050.

Nhiên liệu hàng không bền vững vẫn đắt hơn nhiều so với nhiên liệu thông thường, nhưng những mục tiêu đó đang buộc các hãng hàng không phải tìm cách đáp ứng. Nhà phân tích Chong Cheng Tung tại Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU) cho biết: "Khi có nhu cầu, nguồn cung sẽ bắt kịp và hiện tại, nhu cầu này đã xuất hiện. Vì vậy, lựa chọn cách chuyển đổi sang nhiên liệu xanh, hoặc phải trả một khoản phí bảo hiểm lớn cho việc đi lại".

Ngày 15/2, tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất Mỹ - Boeing đã ký thỏa thuận mua 21,2 triệu lít nhiên liệu hàng không bền vững từ Neste, nhà sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững hàng đầu thế giới, để dùng trong các chuyến bay nghiệp vụ thương mại của hãng.

Bên cạnh đó, mới đây, hãng hàng không Emirates đã thử nghiệm thành công một chuyến bay được vận hành bằng nhiên liệu tái chế bền vững. Nhiều liệu này được làm từ dầu ăn đã qua sử dụng, đây chính là số dầu ăn thừa từ những nồi lẩu ở Trung Quốc.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cung-cap-nhien-lieu-cho-may-bay-tu-nhung-noi-lau-thua-o-trung-quoc-post17942.html