Cung cấp thông tin phản ánh vi phạm giao thông: Cần bảo mật danh tính

Bạn đọc ủng hộ việc chi hỗ trợ người cung cấp thông tin phản ánh vi phạm giao thông, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục những vướng mắc có thể xảy ra khi thực hiện.

Vừa qua, Bộ Công an đề xuất mức chi hỗ trợ người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/1 vụ việc.

Theo Bộ Công an, ở nước ta, lực lượng CSGT sử dụng ứng dụng phần mềm để nhận thông tin của người dân làm căn cứ xử phạt. Sau khi ban hành quyết định xử phạt sẽ chi trả lại cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông qua tài khoản.

Thông tin trên nhận về nhiều sự ủng hộ của bạn đọc. Nhiều người cho rằng cần thực hiện sớm, đồng thời nên lập riêng một ứng dụng chuyên về phản ánh vi phạm giao thông.

Cần bảo mật danh tính cho người dân

Xây dựng kênh riêng để nhận thông tin phản ánh

Bộ Công an cần tạo ra 1 app chuyên về phản ánh vi phạm giao thông. Người dân tham gia app cần mở tài khoản như các app phòng chống dịch, khai đủ thông tin và được bảo mật 100%. App này cần giống một mạng xã hội để người dân chủ động up video phản ánh.

Để giảm thiểu kinh phí, có thể quy định mức phản ánh từ 5 video đúng thì bắt đầu được trả phí cho video thứ 6 trở đi. Phương thức trả như Youtube hay Tiktok,... vẫn đang áp dụng và có thu thuế chủ tài khoản này.

Như vậy ngân sách có lợi, người dân có lợi, ý thức tham gia giao thông sẽ tự động tốt hơn,... Đồng thời phát triển ứng dụng riêng biệt, nơi các bằng chứng vi phạm chỉ được nộp trực tiếp cho cơ quan chức năng. Ứng dụng có thể tích hợp cơ chế mã hóa thông tin, theo dõi trạng thái xử lý và chi trả minh bạch.

Bạn đọc THÀNH NHÂN

“Chỉ cần xây dựng một cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh trong thời đại 4.0 thì chắc chắn người dân sẽ chung tay cùng Nhà nước quản lý việc xử phạt nguội đối với những trường hợp vi phạm. Thậm chí không cần thưởng, tôi sẵn sàng cung cấp miễn phí. Ngày nào ra đường tôi cũng thấy cảnh tượng nguy hiểm xe máy, xe ô tô lấn làn vượt ẩu, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ đủ cả” - bạn đọc Văn Tiến.

"Tôi cho rằng việc giới hạn mức thưởng tối đa 5 triệu đồng/vụ việc giúp tránh lạm dụng chính sách và đảm bảo công bằng; người dân cũng sẽ có động lực hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát; từ đó giảm áp lực cho lực lượng CSGT. Tuy nhiên cần có cơ chế bảo mật danh tính người cung cấp thông tin để tránh nguy cơ trả thù từ người vi phạm - bạn đọc Đức Cảnh.

 Bạn đọc ủng hộ đề xuất chi hỗ trợ người cung cấp thông tin phản ánh vi phạm giao thông. Ảnh: LÊ ÁNH

Bạn đọc ủng hộ đề xuất chi hỗ trợ người cung cấp thông tin phản ánh vi phạm giao thông. Ảnh: LÊ ÁNH

Xem xét kỹ để tránh hệ lụy

Bên cạnh việc đồng tình chi thưởng cho người cung cấp thông tin vi phạm, nhiều bạn đọc cũng nêu ra những vướng mắc có thể gặp phải khi thực hiện, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục.

“Nếu thực hiện như vậy thì kho dữ liệu sẽ rất lớn, cơ quan chức năng khó quản lý. Ví dụ nhiều người quay cùng một trường hợp vi phạm ở nhiều góc khác nhau, hay một clip được gửi đi gửi lại nhiều lần thì kiểm soát như thế nào? Để hạn chế tình trạng này và các tình huống rác, nếu thưởng thì phạt tiền, nếu gửi không đúng hay spam thì phạt tiền người dân cung cấp” - bạn đọc Thảo Hoàng.

"Đề xuất này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nhưng cũng cần được tính toán cẩn trọng để tránh hệ lụy tiêu cực có thể phát sinh, đặc biệt là việc bán lại clip hoặc thông tin cho người vi phạm. Người ghi lại hành vi vi phạm có thể chọn cách bán clip cho người vi phạm để “dàn xếp riêng”, giúp họ tránh bị xử phạt. Điều này không chỉ làm mất hiệu quả của chính sách mà còn tạo cơ hội cho các hành vi trái pháp luật khác. Nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, việc bán thông tin sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào tính công bằng và minh bạch của chính sách - bạn đọc Văn Hùng.

"Tôi kiến nghị nên áp dụng công nghệ AI và hệ thống phân tích dữ liệu để phát hiện các hành vi gian lận trong quá trình cung cấp và xử lý thông tin. Bên cạnh đó, phát triển tính năng tự động hóa trong việc phân tích, xác minh nội dung phản ánh (nhận diện biển số, địa điểm vi phạm) để giảm thời gian xử lý. Kết hợp với hệ thống camera giao thông và dữ liệu quản lý phương tiện để đối chiếu thông tin chính xác hơn - bạn đọc Hiệp Nguyễn.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cung-cap-thong-tin-phan-anh-vi-pham-giao-thong-can-bao-mat-danh-tinh-post825399.html