Cùng chăm lo Tết cho người khó khăn

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để chăm lo cho các trường hợp khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề này, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, sự quan tâm, chăm lo cho các trường hợp khó khăn càng thể hiện rõ nét, góp phần giúp mọi người, mọi nhà vui đón năm mới.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu.

Thực hiện tốt vai trò cầu nối nhân đạo

- Thưa ông, những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã quan tâm, chăm lo cho những người gặp khó khăn như thế nào?

- Trong những năm qua, việc chăm lo, trợ giúp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các trường hợp yếu thế khác trên địa bàn Hà Nội do các cơ quan chức năng và cộng đồng cùng chung tay thực hiện, trong đó có các cấp hội Chữ thập đỏ. Các hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, song mỗi dịp Tết đến, xuân về, sự quan tâm, chăm lo càng thể hiện rõ nét hơn.

Với vai trò là cầu nối và điều phối trong các hoạt động nhân đạo, chúng tôi luôn cố gắng vận động, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực để trợ giúp các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động trợ giúp được triển khai qua nhiều phong trào, chương trình, mô hình, như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn

với một địa chỉ nhân đạo”, “Ngân hàng bò”, “Nhà chữ thập đỏ”, “Chợ nhân đạo”, “Bữa ăn miễn phí”... Riêng giai đoạn 2016-2021, tổng giá trị hoạt động công tác và phong trào Chữ thập đỏ đạt hơn 1.814 tỷ đồng (bằng 182% so với giai đoạn 2011-2016). Nguồn lực này góp phần trợ giúp về lương thực, thực phẩm, nhà ở, nguồn sinh kế, chăm sóc sức khỏe... cho hàng triệu lượt người dân có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố bạn.

- Mỗi dịp Tết đến, xuân về, người có hoàn cảnh khó khăn được mạng lưới Chữ thập đỏ trợ giúp ra sao, thưa ông?

- Đa số chương trình, hoạt động do Hội Chữ thập đỏ vận động, triển khai được duy trì vào dịp Tết Nguyên đán. Để có thêm nguồn lực hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, ở thời điểm này, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố đã tập trung vận động nguồn lực cho phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Qua phong trào, mỗi năm, các cấp Hội đã trao tặng hơn 100.000 suất quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, với trị giá hàng chục tỷ đồng.

Cùng với đó, thời điểm cận Tết Nguyên đán, Hội Chữ thập đỏ còn phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các trường hợp yếu thế khác tại nhiều đơn vị, địa phương.

- Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn. Xin ông cho biết, trong bối cảnh đó, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ đã huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho người cần trợ giúp như thế nào?

- Trước hết, chúng tôi thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm và những người gặp khó. Theo đó, mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia hoạt động với tinh thần “lăn xả”, trách nhiệm. Với các nhà hảo tâm, lực lượng cán bộ, hội viên tạo dựng lòng tin đối với họ bằng việc cam kết đưa nguồn lực trợ giúp đến đúng địa chỉ. Quá trình đưa nguồn lực hỗ trợ đến các đối tượng luôn có sự đồng hành, chứng kiến của các nhà hảo tâm.

Đối với những người gặp khó khăn, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng ở cơ sở xác minh rõ hoàn cảnh, từ đó đưa nguồn lực trợ giúp đến đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của từng trường hợp, góp phần tạo điểm tựa để họ có động lực vươn lên, từng bước ổn định đời sống. Cách làm này giúp mạng lưới Chữ thập đỏ nhận được sự tin tưởng của nhiều nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước. Năm 2021, tổng trị giá hoạt động công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ của Hà Nội đạt gần 267 tỷ đồng, ngang bằng với những năm chưa có dịch Covid-19.

Khi thực hiện vai trò điều phối, chúng tôi luôn cố gắng phân bổ nguồn lực linh hoạt, để ở đâu người dân gặp khó khăn, ở đó có sự hỗ trợ. Theo hướng này, Hội Chữ thập đỏ tại các địa phương có điều kiện kinh tế tốt hơn, dễ vận động nguồn lực hơn liên kết với các địa phương khó khăn hơn để cùng phát triển. Chẳng hạn, quận Cầu Giấy liên kết với các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa; quận Bắc Từ Liêm liên kết với các huyện Ba Vì, Quốc Oai... nhằm đưa một phần nguồn lực xã hội về vùng khó khăn.

Nhiều hoạt động chăm lo dịp Tết

- Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, ông có thể chia sẻ về phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm nay?

- Như thường niên, dịp này, Hội Chữ thập đỏ từ thành phố tới cơ sở tập trung vận động nguồn lực để ủng hộ người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, phấn đấu đạt khoảng 90.000 suất quà (trung bình mỗi suất trị giá 500.000 đồng). Tuy nhiên, điểm mới của năm 2022 là đối tượng được tặng quà chủ yếu là các gia đình có thành viên bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Qua thực tế khảo sát chúng tôi nhận thấy, nhiều gia đình phải gánh chịu nỗi đau da cam hiện còn khó khăn, nên cần được quan tâm thường xuyên, liên tục.

Để những phần quà Tết đến sớm với gia đình các nạn nhân, từ cuối năm 2021, Hội Chữ thập đỏ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội đã xây dựng các phương án tặng quà bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19, đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Cũng từ nguồn vận động ủng hộ, Hội Chữ thập đỏ thành phố duy trì tổ chức các phiên chợ Tết nhân đạo. Tại Hà Nội, các phiên chợ với chủ đề “Chợ tết nhân đạo - Tết sẻ chia” xuân Nhâm Dần 2022 được tổ chức tại các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Cầu Giấy, Gia Lâm, Sơn Tây... Mỗi phiên chợ sẽ hỗ trợ ít nhất 500 suất quà Tết (mỗi suất trị giá khoảng 500.000 đồng) cho người gặp khó khăn. Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố khuyến khích Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện, thị xã chủ động các phiên chợ nhân đạo hay “Gian hàng 0 đồng” ở cấp cơ sở.

Phát huy tinh thần nhân ái, sẻ chia, Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội còn tổ chức chương trình tặng quà, chợ Tết nhân đạo tại một số tỉnh, khu vực miền núi phía Bắc...

- Ngoài phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với những nguồn hỗ trợ nào khác, thưa ông?

- Không chỉ là những phần quà, những ngôi nhà mới, các trường hợp khó khăn còn nhận được sự quan tâm, trợ giúp bằng nhiều hình thức vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Có thể kể đến là chương trình suất ăn miễn phí dành tặng bệnh nhân nghèo. Tết là thời điểm bệnh nhân phải ở lại bệnh viện cần trợ giúp nhất, nên chúng tôi mong muốn nhận được sự đóng góp, ủng hộ nguồn lực của các nhà hảo tâm cho chương trình này.

Một vấn đề khác thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán là thiếu nguồn máu dự trữ để cấp cứu, điều trị cho người bệnh, nhất là với bệnh nhân nghèo. Do đó, dịp này, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp với các cơ sở y tế, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hiến máu...

Từ những dẫn chứng trên cho thấy ý nghĩa của những việc làm, hoạt động của mạng lưới Chữ thập đỏ Hà Nội, góp phần mang đến những mùa xuân ấm áp, Tết đoàn viên cho những người gặp khó khăn, trong đó chủ yếu người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, miền núi.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1022581/cung-cham-lo-tet-cho-nguoi-kho-khan