Cũng chỉ nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) luôn được coi trọng. Đây là lĩnh vực đặc biệt, quyết định tương lai giống nòi và tiến trình phát triển đất nước. Do đó, các thế lực thù địch, phản động tập trung xuyên tạc, phá hoại; mục tiêu cuối cùng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta…
KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN THÀNH TỰU GD-ĐT CỦA VIỆT NAM
Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, mọi người, mọi nhà xem GD-ĐT là một trong những nghề cao quý, thầy giáo là “người vẻ vang nhất”, “người anh hùng vô danh”. Bác Hồ nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bác dạy: “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ đã tìm hiểu sâu sắc lịch sử, văn hóa các dân tộc và lịch sử thế giới văn minh. Người đánh giá rất cao vai trò của GD-ĐT đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc. GD-ĐT có nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, động lực của sự phát triển, đưa mỗi quốc gia, dân tộc tiến tới văn minh, giàu mạnh.
Từ khi ra đời, lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm công tác GD-ĐT; trong các văn kiện của Đảng, luôn khẳng định “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho phát triển”. Hiện nay, ngành GD-ĐT cả nước đang tích cực triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, với mục tiêu “Phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.
Thành tựu GD-ĐT Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước, nhất là những năm gần đây được cộng đồng quốc tế ghi nhận có sự phát triển cả về lượng và chất. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đưa trẻ em trong độ tuổi đến trường; hoàn thành phổ cập THCS trong cả nước, chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến tích cực ở tất cả đối tượng học sinh và các cấp học, bậc học.
Về giáo dục đại học, đến nay Việt Nam đã có nhiều trường đại học có mặt trong những bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Các trường đại học Việt Nam có trên 500 chương trình đạo tạo quốc tế với các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới và hàng chục chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến theo chuẩn quốc tế… Đặc biệt, Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ giáo dục thế giới khi đăng cai tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế như: Olympic Vật lý châu Á 2004, Olympic Toán học quốc tế 2007, Olympic Vật lý quốc tế 2008, Olympic Hóa học quốc tế 2012, Olympic Sinh học quốc tế 2016...
Những năm gần đây, học sinh Việt Nam đạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế được bạn bè thế giới ngưỡng mộ. Năm 2017, đội tuyển Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học của Việt Nam được đánh giá giành thành tích cao nhất trong lịch sử Olympic: 4/4 học sinh dự thi Olympic Hóa học, đoạt 3 HCV, 1 HCB; Đội tuyển Olympic Vật lý đoạt 4 HCV, 1 HCB, đứng thứ 5/86 quốc gia tham dự; 6/6 học sinh Việt Nam đoạt 4 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ cuộc thi Olympic Toán học quốc tế, xếp thứ 3/112 quốc gia. Năm 2020: 5/5 học sinh Việt Nam dự thi Olimpic Vật lý, đoạt 4 HCV, 1 HCB. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi Olimpic quốc tế: 4/4 học sinh đoạt huy chương Olimpic Sinh học (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ); 6/6 học sinh đoạt huy chương Toán (1 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ); 5/5 học sinh đoạt huy chương Olimpic Vật lý (3 HCV, 2 HCB)… Đây là minh chứng sinh động GD-ĐT Việt Nam đã vươn ra thế giới, gam màu sáng của “bức tranh giáo dục Việt Nam”.
MỤC ĐÍCH XUYÊN TẠC NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Chúng ta không “tô hồng” thành tựu giáo dục Việt Nam; cũng không phủ nhận những khó khăn, hạn chế; thậm chí những tiêu cực phát sinh trong GD-ĐT. Nói một cách công bằng, bất cứ lĩnh vực nào, ngành nghề gì (kể cả các quốc gia trên thế giới), bên cạnh những kết quả cơ bản, luôn tồn tại những bất cập, yến kém. Những năm qua, nơi này, nơi khác xảy ra những tiêu cực: Kế toán trường học biển thủ công quỹ; giáo viên xử phạt học sinh không đúng quy định về đạo đức nhà giáo; phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối trước học sinh; học sinh vô lễ với giáo viên; hay vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại một số tỉnh phía Bắc (năm 2018)… là những “vết nhơ”, đáng buồn của ngành GD-ĐT; những tiêu cực này khiến dư luận bức xúc, phản đối và đã được ngành chức năng xử lý nghiêm khắc.
Điều đáng nói, từ những “con sâu”, những vụ việc đơn lẻ, cá biệt, các thế lực phản động, những kẻ sẵn lòng thù hận thể chế chính trị Việt Nam, có dịp ra sức thổi phồng, bôi bẩn, suy diễn, xuyên tạc, phủ nhận thành tựu GD-ĐT Việt Nam bằng những luận điệu hết sức xảo trá với ý đồ xấu. Xung quanh vụ gian lận thi cử, trên các trang mạng của Việt Tân, Chân Trời Mới, báo nước ngoài tán phát các bài viết với luận điệu: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, “công cuộc cải cách giáo dục đã hoàn toàn thất bại”. Chúng hồ đồ cho rằng “khắp ngành giáo dục chỉ toàn là tiêu cực, chạy chọt, đục khoét”; “giáo dục thiếu dân chủ, việc học sinh học giỏi chỉ là nỗ lực cá nhân chứ không phải từ hiệu quả của nền giáo dục trong nước”…
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học; lập tức, tiến sĩ “dỏm” Chu Mộng Long đã tán phát bài viết “Thử một lần dạy thật, học thật” trên trang phản động của Việt Tân, xỏ xiên, chê bai hết sức phản động.
Sau khi thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, các thế lực phản động lớn tiếng “bài nội, sùng ngoại”; chê bai giáo dục nước nhà; quảng bá, khuếch trương giáo dục phương Tây; hô hào, cổ súy thể hệ trẻ Việt Nam sang nước ngoài học tập… Mục đích cuối cùng của các thế lực thù địch, phản động sau khi thổi phồng những yếu kém, một số tiêu cực… chúng quy chụp, vu cáo, đổ lỗi là do chế độ XHCN, do Đảng cộng sản lãnh đạo; rồi xuyên tạc mục tiêu, bản chất tốt đẹp của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Chúng coi giáo dục là “ngành ăn mày xã hội”; rằng “viễn cảnh giáo dục Việt Nam như một bức màn xám xịt”; “nền giáo dục ngu dân do độc đảng cai trị” (!?). Phản động nhất khi chúng kết luận: “Gốc rễ của sự dối trá, mục ruỗng trên là do đặt dưới sự cai trị của Cộng sản độc tài”...
Có thể thấy, lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm, những hành vi “lệch chuẩn”, một số hiện tượng tiêu cực trong GD-ĐT…, các thế lực thù địch, phản động đã nâng thành quan điểm, bản chất, rồi quy kết, đổ “tội” cho chế độ ta. Chúng xổ toạt thành tựu GD-ĐT Việt Nam; thể hiện rõ mục tiêu chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Thủ đoạn xảo trá, thâm độc này không mới, nhưng hết sức nguy hiểm nhằm gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tạo sự hoài nghi, làm mất niềm tin giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. Phá hoại nền GD-ĐT Việt Nam là âm mưu nhằm “đầu độc” thế hệ trẻ Việt Nam, phá hoại sự phát triển của Việt Nam hiện tại và tương lai. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, nhận diện, đấu tranh vạch trần âm mưu chống phá đòi “xóa bỏ nền giáo dục XHCN” ở Việt Nam trong tình hình hiện nay…