Cùng chính sách mua sắm thuốc, sao bệnh viện này làm được, chỗ khác lại không?

Bộ Y tế cho rằng việc nhiều cơ sở y tế mua được thuốc, vật tư nhưng chỗ khác vẫn thiếu không phải vì văn bản hướng dẫn của bộ mà do chính nhân lực của cơ sở.

Tại buổi họp báo chiều 15/12, theo Bộ Y tế, trong năm 2022-2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã tổ chức và phê duyệt kết quả đầu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 100 thuốc. Bộ Y tế phê duyệt kết quả đàm phán giá đối với 64 thuốc biệt dược gốc.

Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá là những thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và có thời gian hiệu lực dài (24 tháng). Các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ được thực hiện kết quả đấu thầu tập trung quốc gia đến hết ngày 31/8/2024 và đàm phán giá đến cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Bộ Y tế cũng cho biết các cơ sở y tế, các địa phương không bị thiếu các loại thuốc trúng thầu tập trung cấp Quốc gia và đàm phán giá, đặc biệt kết quả đấu thầu tập trung quốc gia có ý nghĩa đối với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc tiểu đường.

Bộ Y tế cho rằng việc chưa có kết quả đấu thầu đối với danh mục thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu là do nhân lực mỏng. Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Bộ Y tế cho rằng việc chưa có kết quả đấu thầu đối với danh mục thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu là do nhân lực mỏng. Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Trả lời câu hỏi vì sao cùng một cơ chế chính sách về đấu thầu, mua sắm thuốc nhưng có cơ sở đã mua được, nhiều nơi lại chưa mua được, Bộ Y tế cho rằng "không do văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, cũng không do ảnh hưởng kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá".

Cùng đó, việc chưa có kết quả đấu thầu thuốc đối với danh mục các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu phần lớn do nguyên nhân khách quan là nhân lực thực hiện công tác mua sắm thuốc tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu.

"Nhiều cán bộ, nhân viên vừa phải đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, vừa tham gia công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế", Bộ Y tế cho biết.

Sắp hết hiệu lực của 2 văn bản "gỡ rối" đấu thầu, cơ sở nào để triển khai năm tới?

Liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ sắp hết hiệu lực (ngày 31/12/2023). Nhiều đơn vị lo lắng cho cơ sở pháp lý thực hiện mua sắm, đấu thầu này trong những năm tiếp theo. Nhiều bệnh viện còn đề xuất kéo dài hiệu lực của Nghị quyết và Nghị định này.

Bộ Y tế cho hay Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.

Tiến sĩ Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế. Ảnh: T.Dũng

Tiến sĩ Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế. Ảnh: T.Dũng

Tiến sĩ Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu thầu trong lĩnh vực y tế; hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, Thông tư ban hành các danh mục thuốc phục vụ công tác đấu thầu, Thông tư quy định về cơ chế đối với thuốc hiếm được Nhà nước đảm bảo.

Ông Thiện cho hay sau khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực, dự kiến quý I/2024 Bộ Y tế sẽ ban hành các Thông tư này để các cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cung-chinh-sach-mua-sam-thuoc-sao-benh-vien-nay-lam-duoc-cho-khac-lai-khong-2227335.html