Cùng chung tay tiến xa trong kỷ nguyên mới

Sắc đỏ cờ hoa Việt Nam và Trung Quốc hòa quyện từ sân bay quốc tế Nội Bài đến Phủ Chủ tịch và nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội. 21 loạt đại bác chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Niềm hân hoan chào mừng 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung như được nhân lên gấp bội.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chụp ảnh chung. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chụp ảnh chung. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Tiết trời đang độ cuối Xuân, sức sống tưng bừng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở đầu bài viết đăng trên báo Nhân dân trước thềm chuyến thăm bằng hình ảnh rực rỡ ấy, thể hiện sự háo hức và niềm tin tràn đầy trong lần thứ tư ông trở lại “mảnh đất tươi đẹp”.

Hai ngày thăm Việt Nam (14-15/4) càng thêm ý nghĩa, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trân trọng quãng thời gian gặp gỡ quý báu để cùng vun đắp tình hữu nghị truyền thống, trao đổi phương hướng hợp tác và định hình tầm nhìn mới nhằm làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hướng tới xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc mang ý nghĩa chiến lược theo định hướng “sáu hơn” trong thời đại mới.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường; hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; tham dự Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, Lễ khởi động “Hành trình đỏ: Nghiên cứu, học tập của thanh niên”, tham quan Triển lãm ảnh 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc, khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam-Trung Quốc…

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bạn đến chơi nhà

Trong bài viết đăng trên Nhân dân nhật báo trước thềm chuyến thăm, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và nước Trung Quốc thăm Việt Nam nhiều nhất, là “người đồng chí chân thành, người bạn lớn thân thiết của Việt Nam”. Với chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đến Việt Nam hai lần chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhân dịp chuyến thăm, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trân trọng tặng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cuốn sách ảnh gồm những bức ảnh tiêu biểu, ấn tượng về năm chuyến thăm Việt Nam từ năm 2011 đến chuyến thăm lần này, càng cho thấy sự gần gũi, thân tình của các nhà lãnh đạo hai đất nước “đồng chí anh em”.

Chủ tịch nước Lương Cương ra sân bay đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chủ tịch nước Lương Cương ra sân bay đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sự thân tình giữa hai bên còn thể hiện khi Chủ tịch nước Lương Cường ra sân bay đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Việt Nam trên cương vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Không khí thêm trọng thị với sự hiện diện của 200 học viên thuộc đoàn nghệ thuật trống hội Học viện Cảnh sát nhân dân và 54 thiếu nữ mặc trang phục các dân tộc Việt Nam...

Như “bạn, đồng chí đến chơi nhà”, các nhà lãnh đạo trao đổi trong bầu không khí chân thành và thẳng thắn, tái hiện những dòng chảy chính, những chặng đường phát triển của quan hệ song phương và vạch ra hành trình đi tới, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

“Lựa chọn chiến lược” hay “phương hướng ưu tiên” là điểm nhấn xuyên suốt trong các trao đổi cấp cao về quan điểm chính sách. Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại. Tương ứng, Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng.

Trong trao đổi, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tin tưởng Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân sẽ không ngừng phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu 100 năm thứ hai. Còn nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc chia sẻ niềm vui trước những bước phát triển quan trọng của Việt Nam và niềm tin mạnh mẽ về năng lực hiện thực hóa khát vọng phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng các đại biểu khởi động dự án Hành trình đỏ nghiên cứu, học tập của thanh niên Việt Nam-Trung Quốc. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng các đại biểu khởi động dự án Hành trình đỏ nghiên cứu, học tập của thanh niên Việt Nam-Trung Quốc. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Xây dựng tương lai từ “nguồn gene”, ký ức đỏ

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra đúng vào năm Việt Nam kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm thành lập nước và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do vậy, càng trở nên có ý nghĩa khi lãnh đạo hai nước cùng nhìn lại “mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” do các thế hệ Lãnh đạo tiền bối hai Đảng, hai nước, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã không ngừng dày công vun đắp.

Trong bài viết trên báo chí Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình coi đó là “nguồn gene đỏ”, là nền tảng quan trọng của Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược. Nói về tình hữu nghị ngày càng khăng khít giữa hai dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã gợi lại chính hình ảnh mà đồng chí Tập Cận Bình từng khái quát rất súc tích là “các dòng suối nhỏ vươn dài chảy mãi, hội tụ thành dòng sông giao lưu hữu nghị rộng lớn giữa hai nước”.

Tình hữu nghị không chỉ là tài sản của quá khứ, chất keo dính trong hiện tại mà còn là bệ phóng cho tương lai. Tham dự Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc cùng Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định quan hệ Trung - Việt “như cây có cội, như suối có nguồn”, trong đó tất cả nguồn cội, huyết mạch và sức mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước đều nằm ở nhân dân, ở tình cảm hữu nghị của người dân. Đồng quan điểm, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh ý nghĩa của việc tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân trong việc củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ song phương.

Cùng khởi động dự án “Hành trình đỏ: Nghiên cứu, học tập của thanh niên”, Lãnh đạo cấp cao hai nước gửi đi thông điệp lấy Năm giao lưu nhân văn làm thời cơ, triển khai giao lưu nhân văn bằng hoạt động phong phú, khai thác hiệu quả những “di sản đỏ” của cách mạng hai nước, kể tốt hơn câu chuyện về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, để tình hữu nghị được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Từ “bén rễ” đến “kết trái, đơm hoa”

Điểm nổi bật trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc được lãnh đạo hai nước nhất trí dịp này là các cụm tính từ được khái quát tại đề mục: “mức cao hơn”, “thực chất hơn”, “toàn diện và sâu rộng hơn”, “chặt chẽ hơn”; để nhấn mạnh quyết tâm làm sâu sắc quan hệ song phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược đã “bén rễ” vào mảnh đất màu mỡ của sự hợp tác.

Từ “bén rẽ” đến “kết trái, đơm hoa”, tận dụng tối đa thời cơ chiến lược, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội và xây dựng tương lai thịnh vượng cho cả hai đất nước, các nhà lãnh đạo Việt – Trung cùng vạch ra những định hướng lớn nhưng cũng rất cụ thể và chi tiết. Có thể điểm các cụm động từ mang tính hành động: Nâng cấp cơ chế Đối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao - Quốc phòng - Công an lên cấp Bộ trưởng; duy trì thường xuyên trao đổi chiến lược, tăng cường hợp tác hai Đảng và trong các lĩnh vực trọng yếu, thường xuyên là ngoại giao, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông chiến lược; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ trở thành “điểm sáng” mới; thúc đẩy thương mại cân bằng hơn, đầu tư chất lượng cao hơn, chú trọng triển khai tại Việt Nam dự án, công trình lớn, tiêu biểu…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Người Trung Quốc có câu: “Tiếng tàu vang lên, vạn lượng vàng đến”. Lãnh đạo cấp cao hai nước hiện nay dành ưu tiên cao cho hợp tác đường sắt, nhất là về tín dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để kịp khởi công xây dựng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và tiếp theo là các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Đặc biệt, hai bên nhất trí thành lập Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ, chứng kiến lễ khởi động Cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc, cho thấy quyết tâm cao độ hiện thực hóa mục tiêu kết nối, tạo thuận lợi cho thông thương.

Ngoài ra, việc tìm kiếm các phương thức, biện pháp hiệu quả để giải quyết thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác phù hợp với tầm mức mới của quan hệ Việt - Trung trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng được lãnh đạo hai nước chú trọng trao đổi. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hình ảnh hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước láng giềng vui vẻ, tâm đắc xem và nghe giới thiệu về 45 văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm củng cố niềm tin và truyền cảm hứng tới người dân, doanh nghiệp hai nước về tính “hơn” trong hợp tác song phương trên chặng đường mới.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thành công tốt đẹp, chuyên cơ Air China cất cánh rời sân bay Nội Bài giữa bầu trời Xuân xanh rực nắng; một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần quan trọng trong việc phát huy tình hữu nghị truyền thống, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược trong tình hình mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định, phồn vinh và phát triển của khu vực và thế giới.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cung-chung-tay-tien-xa-trong-ky-nguyen-moi-311420.html