Củng cố, chuẩn hóa nguồn lực kiểm định hải quan
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt đề án 'Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu'. Thực hiện đề án này, cơ quan hải quan đang củng cố, chuẩn hóa nguồn lực để đáp ứng nhiệm vụ phân tích, giám định, chứng nhận, kiểm nghiệm hàng hóa.
Tập trung xây dựng lực lượng đủ năng lực
Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” đưa ra nhiều nội dung lớn nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp; phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong số những cải cách đó là giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Để cụ thể hóa điều này, tại Quyết định số 169/QĐ-BTC ngày 18/2/2021 về kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan củng cố, chuẩn hóa nguồn lực của cơ quan hải quan để thực hiện việc phân tích, giám định, chứng nhận, kiểm nghiệm hàng hóa theo chỉ định của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân
Là đơn vị được Tổng cục Hải quan giao chủ trì xây dựng đề án, từ khi xây dựng đến nay dự thảo đã được phê duyệt, Cục Kiểm định hải quan luôn xác định nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản để triển khai nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu. Các đơn vị kiểm định hải quan định hướng tập trung xây dựng lực lượng có năng lực để tham gia nhiệm vụ này, từ đó lập kế hoạch bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng làm việc của chuyên viên.
Các nhiệm vụ đơn vị đang triển khai là thực hiện giảm tải khối lượng công việc mang tính truyền thống cho công chức thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; tập trung nghiên cứu các chủng loại hàng hóa cần kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do bộ quản lý chuyên ngành ban hành; trực tiếp thực hành phân tích mẫu hàng hóa theo các tiêu chuẩn quy chuẩn này trên các thiết bị hiện có tại đơn vị; xây dựng các phép thử nghiệm theo chuẩn mực Vilas; mời chuyên gia đào tạo nâng cao tay nghề cho chuyên viên; thực hiện kiểm tra, đánh giá trình độ năng lực sau khi được đào tạo, tuyển dụng, khắc phục vấn đề thiếu nhân lực, giảm khó khăn, thách thức khi thực thi công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Nâng cấp trang thiết bị
Theo Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan Đỗ Văn Quan, hiện nay đơn vị đang tiến hành kiện toàn lại đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Phân tích) đảm bảo năng lực là cơ sở kiểm nghiệm/tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định. Trung tâm được định hướng là đơn vị có chức năng, tổ chức phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ công tác kiểm tra nhà nước về hải quan, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, đánh giá sự phù hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.
7 nội dung cải cách đột phá của đề án.
Thứ nhất, giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thứ hai, áp dụng đồng bộ ba phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.
Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thứ tư, thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.
Thứ năm, áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.
Thứ sáu, bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Thứ bảy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Để kiện toàn lại Trung tâm Phân tích, Cục Kiểm định Hải quan đã xây dựng Đề án tổ chức lại Trung tâm Phân tích, đề xuất các nội dung như: sửa đổi cơ cấu tổ chức phạm vi hoạt động của Trung tâm Phân tích, nói cách khác là điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với nhiệm vụ mới; xây dựng kế hoạch nhân sự, cụ thể xét chuyển viên chức đủ điều kiện sang công chức và tuyển dụng viên chức mới đúng với chỉ tiêu biên chế trống; xây dựng kế hoạch đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy trình lấy mẫu, kiểm nghiệm/đánh giá sự phù hợp.
Bên cạnh đó, Cục Kiểm định Hải quan cũng triển khai xây dựng và phát triển phòng thí nghiệm Vilas, ISO/IEC 17025:2007, ISO/IEC 17065:2013, ISO/IEC 17021-1:2015 đăng ký lĩnh vực hoạt động kiểm nghiệm/đánh giá sự phù hợp và đăng ký để các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với một số mặt hàng nhập khẩu theo lộ trình của đề án. Cục cho xây dựng nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm hiện có, đặc biệt tập trung hiện đại hóa các phòng thí nghiệm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đảm bảo ngang tầm về năng lực với các tổ chức giám định lớn hiện nay; tổ chức lại Trung tâm Phân tích có các chi nhánh đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, việc xây dựng hành lang pháp lý và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ là hết sức cần thiết. Trong đó, có việc xây dựng cơ sở pháp lý, quy trình thực hiện phân tích/kiểm nghiệm/đánh giá sự phù hợp để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để phù hợp các nội dung cải cách của đề án. Theo đó, Cục Kiểm định hải quan là một trong những đơn vị tham gia tích cực vào nhóm xây dựng nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Ngày 16/8/2021, Nghị định đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, đơn vị đã và đang thực hiện rà soát nâng cấp và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ đảm bảo kết nối với hệ thống chung của toàn ngành; tham gia xây dựng bài toán nghiệp vụ tích hợp quy trình về việc tham gia thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của lực lượng hải quan. Đồng thời, Cục Kiểm định hải quan cũng đang từng bước hoàn thiện năng lực kỹ thuật, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao để triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.