Củng cố lòng tin chiến lược, mở rộng hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Lào

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào, Chủ tịch AIPA Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức CHDCND Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) từ ngày 17 - 19.10. Đây là chuyến thăm chính thức CHDCND Lào đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp, thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như giữa cá nhân Chủ tịch Quốc hội ta với Chủ tịch Quốc hội bạn.

Luôn dành ưu tiên cao nhất cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt. Thời gian qua, mối quan hệ này phát triển tốt đẹp và toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến công tác, tiếp xúc cấp cao và các cấp. Mới đây nhất, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào (tháng 7.2024); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào sang dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7.2024) và thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào (tháng 9.2024).

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith tại Nhà Quốc hội nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith ngày 11.9.2024. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith tại Nhà Quốc hội nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith ngày 11.9.2024. Ảnh: Lâm Hiển

Tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng được tăng cường. Hợp tác chính trị-đối ngoại, quốc phòng-an ninh được duy trì chặt chẽ, hiệu quả. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và đào tạo có nhiều bước chuyển biến mới tích cực, đặc biệt là nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập trong các dự án hợp tác trọng điểm giữa hai nước từng bước được tháo gỡ thông qua các chuyến công tác và thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước trên tinh thần những định hướng lớn được Bộ Chính trị hai nước thống nhất. Hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có nhiều bước chuyển cả về chất và lượng.

Đặc biệt, hợp tác giữa hai Quốc hội tiếp tục được thúc đẩy, triển khai đồng bộ, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước. Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã ký Thỏa thuận hợp tác mới vào tháng 5.2022 và đang tích cực triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận. Quốc hội hai nước cũng tổ chức nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tập trung vào các vấn đề xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, Quốc hội hai nước đang tích cực phối hợp nghiên cứu biên soạn và xuất bản cuốn sách “50 năm quan hệ giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào - Hợp tác toàn diện và phát triển”.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giới thiệu các thành viên Đoàn Việt Nam với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, ngày 11.9.2024. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giới thiệu các thành viên Đoàn Việt Nam với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, ngày 11.9.2024. Ảnh: Lâm Hiển

Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, nữ đại biểu Quốc hội. Hai bên đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị song phương; hình thành cơ chế hợp tác giữa đại biểu Quốc hội trẻ, đại biểu Quốc hội nữ; cơ chế hợp tác thường niên giữa các Ủy ban của Quốc hội, giữa Văn phòng Quốc hội và Ban Thư ký Quốc hội... Hai bên cũng duy trì hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực, quốc tế, như AIPA, IPU, APPF, ASEP…

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức CHDCND Lào lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta, chủ động, tích cực củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam - Lào trên tất cả các lĩnh vực và các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân, tăng cường tin cậy với các nước đối tác, bạn bè truyền thống.

Chuyến thăm cũng tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn dành ưu tiên cao nhất và coi trọng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Đồng thời, cụ thể hóa Thỏa thuận cấp cao giữa hai Bộ Chính trị tại Cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam -Lào và Tuyên bố chung Việt Nam-Lào trong khuôn khổ chuyến công tác cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thoongloun Sisoulith (tháng 9.2024) và chuyến công tác cấp Nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 7.2024).

Đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm đối với mối quan hệ Việt Nam - Lào, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh, diễn ra ngay trước thềm Đại hội đồng AIPA - 45 mà Lào là nước chủ nhà, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn không chỉ là cơ hội tốt để củng cố thêm lòng tin chiến lược, mở rộng hợp tác nghị viện giữa hai nước, mà còn thể hiện việc tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương.

Đồng thời, chuyến thăm khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA; ủng hộ Lào trên cương vị Chủ tịch AIPA; cùng các Nghị viện thành viên AIPA củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA và các đối tác. Tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội thành viên và Quan sát viên của AIPA. Trao đổi chia sẻ thông tin với các nghị sĩ các nước về những mối quan tâm chung của khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển, về các hoạt động của nghị viện. Qua đó cũng chia sẻ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, các hoạt động của Quốc hội trong việc góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm nêu rõ.

Thể hiện sự ủng hộ và là động lực mạnh mẽ đối với Lào

Đại hội đồng AIPA-45 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nổi lên là sự gia tăng ảnh hưởng và lôi kéo của các nước lớn, nhưng ASEAN vẫn giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 với chủ đề của năm “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, Lào phát huy vai trò dẫn dắt, đưa vào triển khai các sáng kiến hợp tác trên ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực.

Với chủ đề chính phù hợp với chủ đề chung của ASEAN năm nay - “Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN”, Đại hội đồng AIPA-45 sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa AIPA, ASEAN, các nghị viện Quan sát viên cũng như các cơ chế hợp tác để giải quyết các thảm họa thiên nhiên, bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực trong khu vực và trên toàn cầu. Đồng thời, thể hiện các mục tiêu chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong khi tái khẳng định các cam kết chung để xây dựng một khu vực tự cường, gắn kết và thịnh vượng.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm, ngày 11.9.2024. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm, ngày 11.9.2024. Ảnh: Lâm Hiển

Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của AIPO, tiền thân của AIPA ngày nay (tháng 9.1995), Quốc hội Việt Nam luôn khẳng định vai trò tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, đẩy mạnh hợp tác nội khối, mở rộng quan hệ nhiều mặt với nghị viện các nước trong và ngoài khu vực. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của AIPA đối với hòa bình, ổn định và phát triển; đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực được các nghị viện thành viên đánh giá cao.

Kế thừa kinh nghiệm và phát huy những thành quả nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết, trên cơ sở chủ đề chung của Đại hội đồng AIPA-45 cùng các vấn đề thuộc quan tâm của ta, phù hợp với xu thế của khu vực, Việt Nam dự kiến đề xuất 4 sáng kiến/Nghị quyết tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA, Ủy ban Xã hội, Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA, Ủy ban Kinh tế; đồng thời cùng xem xét đồng bảo trợ 6 nghị quyết, trong đó có 5 Nghị quyết do Lào đề xuất, một Nghị quyết do Indonesia, Lào và Malaysia đề xuất.

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane; chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith; hội kiến Thủ tướng Sonexay Siphandone; và nhiều hoạt động gặp gỡ tiếp xúc quan trọng khác. Với các hoạt động tại Đại hội đồng AIPA-45, Chủ tịch Quốc hội sẽ tham dự Phiên họp Ban Chấp hành AIPA; cùng Trưởng đoàn các nghị viện thành viên chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch AIPA-45 Saysomphone Phomvihane; dự Lễ khai mạc Đại hội đồng AIPA-45 và phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất của Đại hội đồng. Đặc biệt, trong khuôn khổ các hoạt động tại Đại hội đồng AIPA-45, Chủ tịch Quốc hội ta dự kiến cũng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với một số Trưởng đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội…

“Việc đồng chí Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Lào và tham dự Hội nghị quan trọng của các Cơ quan lập pháp trong khu vực ASEAN là sự ủng hộ và là động lực mạnh mẽ đối với nhân dân Lào nói chung và đối với Quốc hội Lào nói riêng, góp phần quan trọng cho thành công của AIPA-45”. Khẳng định ý nghĩa này, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak cũng nêu rõ, đây cũng là dịp tốt để lãnh đạo cấp cao của Lào và Việt Nam cùng nhìn lại truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Lào - Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo, các chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước gìn giữ, bảo vệ và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu bằng máu và mồ hôi, trở thành di sản chung vô giá, là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước.

Đánh giá cao việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã lựa chọn Lào là nước đầu tiên cho chuyến thăm nước ngoài trong khu vực châu Á trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak nhấn mạnh, “điều này thể hiện tính sinh động của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào”.

Lam Giang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cung-co-long-tin-chien-luoc-mo-rong-hop-tac-nghi-vien-giua-viet-nam-va-lao-post393411.html