Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động y tế dự phòng, y tế cơ sở
Thực hiện Chỉ thị 06-CT/T W của Ban Bí thư Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và 10 năm thực hiện Thông báo kết luận số 126-TB/TW, ngày 1.4.2013 của Ban Bí thư Khóa IX, dưới sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu tích cực của ngành y tế, sự phối hợp hành động của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân; sau 20 năm, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai được quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển trên nhiều mặt theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Giảm đầu mối, tăng cường hiệu quả hoạt động
Thống kê cho thấy, sau sắp xếp các mô hình hoạt động tuyến tỉnh sáp nhập 5 đơn vị: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khẻo (GDSK), Trung tâm Phòng chống sốt rét, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (giảm 4 đầu mối), tuyến huyện sáp nhập 9 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và 3 Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm vào Trung tâm Y tế huyện (giảm 12 đầu mối).
Đến hiện tại, hệ dự phòng trên địa bàn tỉnh Lào Cai gồm, tuyến tỉnh có 3 đơn vị: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế; Tuyến huyện có 9 trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố. Tuyến xã có 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn
Với hệ thống y tế dự phòng như hiện nay đã và đang phát huy hiệu quả. Việc sáp nhập các đơn vị đã làm giảm bớt đầu mối, hoạt động hiệu quả hơn, tập trung được nhân lực. Quá trình hoạt động có sự thống nhất cao, lược bỏ được nhiều công đoạn không cần thiết.
Cùng với đó, để bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tỉnh Lào Cai đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ thu hút, đào tạo, đãi ngộ cho cán bộ ngành y tế Lào Cai; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức sắp xếp lại các chức danh nghề nghiệp theo quy định được quan tâm. Đội ngũ nhân lực y tế cơ sở thực hiện tốt chế độ luân phiên, chuyển giao kỹ thuật. Công tác đào tạo có nhiều chuyển biến đặc biệt là đào tạo sau đại học, trong giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh đã cử 502 bác sĩ đi đào tạo sau đại học, số lượng cán bộ có trình độ sau đại học ngày càng tăng lên đáng kể. Ngành y tế tiếp tục hoàn thiện, ổn định và phát triển nhân lực; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân tăng qua các năm, năm 2012, ngành y tế mới có 3.937 cán bộ, trong đó số bác sĩ mới chỉ có 515 bác sĩ, đạt 8,1 bác sĩ/vạn dân đến nay đã có 5.050 cán bộ, trong đó có 1.020 bác sĩ, đạt 13,5 bác sĩ/vạn dân.
Đội ngũ y bác sĩ thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ tại các trường đại học, các đơn vị tuyến trung ương và đặc biệt tập trung tự đào tạo từ thực tiễn như tuyến tỉnh cho tuyến huyện, tuyến huyện cho tuyến xã.
Tỉnh cũng chủ trương thực hiện công tác luân chuyển cán bộ từ tuyến tỉnh và huyện, từ huyện về xã và đưa cán bộ y tế từ tuyến dưới về làm việc tại tuyến trên. Đặc biệt, tại các vùng có điều kiện khó khăn sẽ có các cán bộ tuyến huyện (bác sĩ) về làm việc tại trạm y tế xã 2 ngày/tuần nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tại các vùng xa, khó khăn khi di chuyển, đi lại giữa các tuyến trên địa bàn tỉnh.
Thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc, là căn bản
Thống kê cho thấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh duy trì chuẩn quốc gia về y tế dự phòng năm 2018 (85% danh mục kỹ thuật quy định), tiếp tục cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn tiếp cận và triển khai 27 kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu theo các lĩnh vực dự phòng; áp dụng kỹ thuật chẩn đoán khẳng định nhiễm Covid-19 theo phương pháp sinh học phân tử Real time RT-PCR. Trung tâm Kiểm nghiệm triển khai thực hiện tốt quản lý chất lượng phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017; thực hành tốt phòng thí nghiệm GLP; có khả năng kiểm tra chất lượng của hầu hết thuốc thiết yếu lưu hành trên thị trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị dự phòng tuyến huyện thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát dịch bệnh; quản lý tốt mạng lưới y tế tuyến xã; tăng cường nhân lực, bố trí luân phiên bác sĩ cho trạm y tế theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. Số trạm y tế xã có bác sĩ định biên: 35 (23%); các trạm y tế có bác sĩ bố trí luân phiên tăng cường: 76 (50%). Tổng số thôn bản: 1.295, số thôn bản có nhân viên y tế hoạt động: 1.246 (96,2%).
Đối với công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, sử dụng tối đa các nguồn lực góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trong mọi thời điểm, song song với công tác phòng, chống dịch Covid-19 địa phương thường xuyên bám sát, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm khác, điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H5N1, A/H7N9, bệnh tả, cũng được giám sát và không phát hiện ca bệnh. Các bệnh truyền nhiễm, như: sởi, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa... đều được thống kê, điều tra và xử lý kịp thời không để ổ dịch lớn xảy ra.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lào Cai, kinh phí cho các hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế. Lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập nói chung, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở còn thấp.
Chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở, cán bộ làm công tác y tế dự phòng còn thấp. Chưa có những chính sách đột phá để thu hút, giữ chân những cán bộ, nhân viên y tế giỏi, được đào tạo tốt; đồng thời chưa có chính sách khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế làm việc ổn định lâu dài ở tuyến y tế cơ sở.
Chính vì vậy, để cải thiện, nâng cao chất lượng y tế dự phòng, y tế cơ sở, UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế tỉnh Lào Cai thống nhất trong nhận thức và hành động, thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc, là căn bản. Coi công tác này là một trụ cột trong phát triển nhanh, bền vững. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế đồng bộ, phù hợp để người dân tham gia bảo hiểm y tế và thu hút mạnh mẽ nguồn lực của xã hội. Đổi mới mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là y tế dự phòng y tế cơ sở, có cơ chế phù hợp thúc đẩy y tế cơ sở phát triển. Cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế... phải cải tiến đồng bộ. Tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động chuyên môn kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành, của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị. Sử dụng hiệu quả nguồn lực được cấp, lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên để triển khai. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả, tính bền vững của các chương trình, dự án đã, đang triển khai trên địa bàn tỉnh.