Củng cố nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng

Trong các nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác tư tưởng, lý luận là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Những năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nâng cao, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, góp phần vào việc giáo dục, tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong Đảng và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh đều được cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đầy đủ.

Một hội thảo khoa học phục vụ đề tài khoa học do Trường Chính trị tỉnh thực hiện.

Một hội thảo khoa học phục vụ đề tài khoa học do Trường Chính trị tỉnh thực hiện.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp đã triển khai quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7, 8 khóa XII; nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV; tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên định kỳ hằng năm. Việc quán triệt, học tập được đổi mới về nội dung, hình thức, nổi bật là thực hiện trực tuyến đến 100% xã, phường, thị trấn để cán bộ, đảng viên cùng tham gia nghiên cứu và dành nhiều thời gian thảo luận nội dung. Nhờ vậy, tỷ lệ cán bộ, đảng viên học tập nghị quyết luôn đạt trên 98%.

Các cấp ủy đã tập trung lãnh, chỉ đạo giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức mới thông qua sinh hoạt đảng, họp các tổ chức chính trị - xã hội; qua các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, các lớp đào tạo lý luận chính trị; các đợt học tập chuyên đề hằng năm trong triển khai thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tuyên truyền sâu rộng qua hệ thống thông tin đại chúng, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin lưu động ở cơ sở.

Trường Chính trị tỉnh, các trường chuyên nghiệp, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, thành phố cũng kịp thời đưa tài liệu mới vào giảng dạy, đồng thời chủ động cập nhật Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Các đơn vị luôn bám sát mục tiêu đào tạo, đổi mới phương pháp, phát huy tính tích cực, chủ động của người học, đổi mới cách ra đề thi, kiểm tra theo hướng vận dụng lý thuyết để giải quyết các tình huống thực tiễn; tỷ lệ học viên xếp loại khá, giỏi luôn đạt trên 70%.

Với ban tuyên giáo các cấp, trong 5 năm qua đã tổ chức 53 hội nghị báo cáo viên cho hơn 20.000 lượt người tham gia. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền, cấp ủy các cấp với nhân dân; điều tra xã hội học; biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội... góp phần ổn định tư tưởng, củng cố niềm tin vào Đảng và chế độ cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Thực hiện 4 chương trình công tác trọng tâm, 19 đề án giai đoạn 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã ban hành 14 nghị quyết; 189 kế hoạch, chương trình hành động; 22 đề án; 47 quy định; 13 quy chế; hơn 40 chỉ thị và tổ chức nhiều hội thảo khoa học trên tất cả các lĩnh vực. Các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy là cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và cơ sở, thúc đẩy phong trào hành động cách mạng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của địa phương, đơn vị, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Đây là bước đột phá trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở tỉnh Lào Cai.

Hoạt động nghiên cứu, hội thảo khoa học cũng được triển khai, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định, phát triển các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương. Các ngành, các cơ quan chuyên môn đã tập trung hướng vào nghiên cứu chương trình, đề tài, bám sát phương hướng, yêu cầu nghiên cứu của Đảng bộ và thực tiễn của tỉnh đặt ra. Điển hình là việc tổ chức hội thảo khoa học: Lào Cai 25 năm tái lập (1991 - 2016) - bài học kinh nghiệm và giải pháp phát triển trước yêu cầu, nhiệm vụ mới; kinh nghiệm phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo sau 25 năm tái lập (1991 - 2016); biên soạn sách “Lào Cai 25 năm đổi mới, phát triển (1991 - 2015) - tầm nhìn và hành động”; xây dựng 27 tập Văn kiện Đảng bộ tỉnh Lào Cai toàn tập, từ khóa I đến khóa XIV; ban hành nhiều chỉ thị về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; triển khai 3 đề tài khoa học nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ...

Ngoài ra, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc và các sở, ban, ngành sơ kết, tổng kết nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Điển hình như việc tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016); tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”...

Việc tổng kết lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực đã góp phần làm sáng tỏ hơn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được hiện thực hóa sinh động ở một tỉnh miền núi, biên giới như Lào Cai. Qua đó tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, hiện thực trong đường lối đổi mới của Đảng suốt hơn 30 năm qua và sự vận dụng sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai vào hoàn cảnh cụ thể.

Thành Phú

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/cung-co-nen-tang-tu-tuong-ly-luan-cua-dang-z1n20191112112833929.htm