Củng cố niềm tin, khơi thông dòng tiền
Trong vòng nửa tháng, Vn-Index tăng 200 điểm, nhưng hiệu ứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) đã không xảy ra như trong năm 2021. Đằng sau sự thay đổi này là gì?
Trở lại năm 2021, khi nói về thị trường chứng khoán, “kỷ lục” có lẽ là từ được nhắc đến nhiều nhất. Quả thực, trong năm 2021, VN-Index liên tục “thăng hoa”, ngày 25/11/2021 đã đạt mức cao nhất trong 21 năm (1500,81 điểm), tính từ khi chỉ số này đi vào hoạt động. Thanh khoản của thị trường cũng “diễn ra như mơ”, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 21.593 tỷ đồng và 737,29 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 247,27% về giá trị và 120,43% về khối lượng bình quân so với năm 2020. Đặc biệt, ngày 23/12/2021, thị trường đã có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị và khối lượng giao dịch lần lượt đạt trên 45.371 tỷ đồng và hơn 1,32 tỷ cổ phiếu.
Bước sang năm 2022, đặc biệt là từ tháng 9, chứng khoán Việt Nam bất ngờ chuyển sang trạng thái đối lập. VN-Index đã xác lập một loạt kỷ lục buồn khi đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số giảm mạnh nhất thế giới trong tất cả khung thời gian phổ biến, gồm: 1 tuần, 1 tháng, 1 quý, 6 tháng, 1 năm, từ đầu năm 2022 và từ đỉnh. Đáy của thị trường được xác lập vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 16/11 ở mức 873 điểm. Sau đó, VN-Index đã phục hồi rất tốt, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, tiến về mức 1.080 điểm, nghĩa là tăng khoảng 200 điểm trong vòng nửa tháng. Đồng thời, vào hôm 2/12, VN-Index đã trở thành chỉ số tăng mạnh nhất châu Á. Thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể, từ mức chỉ khớp lệnh 8.000 - 9.000 tỷ đồng/phiên, trong những phiên giao dịch gần đây, giá trị khớp lệnh đã tăng lên 20.000 tỷ đồng/phiên và trung bình 10 phiên gần nhất vào khoảng 14.000 tỷ đồng/phiên.
Vấn đề đáng lưu ý là sự đi lên của VN-Index gần đây chủ yếu nhờ sự trỗi dậy của dòng vốn ngoại. Trong tháng 11/2022, khối ngoại đã mua ròng 16.000 tỷ đồng và 2 phiên đầu tháng 12/2022 là 3.200 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất ấn tượng, thể hiện rõ nét xu hướng mua vào sau 2 năm bán ròng trước đó. Gần nhất, khi vừa được chấp thuận tăng quy mô, quỹ Fubon ETF đã lập tức mua ròng 400 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam.
Trái ngược với xu hướng của khối ngoại, trong tháng 11/2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán ròng kỉ lục với quy mô chưa từng có trong lịch sử, lên tới gần 19.000 tỷ đồng. Đặc biệt, điều này lại diễn ra trong bối cảnh thông tin tích cực được đẩy ra thị trường rất nhiều, bao gồm cả kết quả đạt được và triển vọng tốt đẹp của kinh tế đất nước. Thực tế đó cho thấy trạng thái “chim sợ cành cong” vẫn đang chế ngự và nhà đầu tư chưa thể vực dậy tâm lý sau hàng loạt cú sốc từ sự kiện FLC, Tân Hoàng Minh tới công ty An Đông và ngân hàng SCB. Hệ quả là, nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa sẵn sàng trở lại.
Thị trường thái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Theo thống kê của Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo chính phủ chiều 1/12, tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành giảm 31,6% so với cùng kỳ 2021, đặc biệt là giảm dần qua các quý. Khối lượng mua lại trước hạn của các doanh nghiệp là 161 nghìn tỷ đồng, tương đương114% của khối lượng mua lại năm 2021.
Đề cập tới thực tế nên trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã nhấn mạnh tới câu chuyện niềm tin, cho rằng niềm tin của thị trường giảm sút, ảnh hưởng rất lớn, rất nhiều đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trước đó, tại cuộc họp với 39 công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu hôm 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá thị trường chứng khoán vừa trải qua thời kỳ sụt giảm mạnh, niềm tin của nhà đầu tư với trái phiếu và cổ phiếu xuống thấp. Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhìn bề ngoài có vẻ như kinh tế đang ổn, nhưng thực chất bên trong lại có sóng ngầm, đặc biệt là vấn đề niềm tin.
Thiếu niềm tin, cổ phiếu xấu tốt đều như nhau, giảm không lối thoát còn trái phiếu bị hững hờ và nhà đầu tư sẵn sàng bán trước hạn bất chấp thiệt hại. Khi nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường vốn, khủng hoảng về thanh khoản không còn là nguy cơ và nó đã được chứng minh cả trên thị trường chứng khoán lẫn thị trường trái phiếu doanh nghiệp như nêu trên. Nếu không được giải quyết kịp thời, tác động sẽ lan tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế thực. Tiếp theo sẽ là đình trệ sản xuất kinh doanh, đóng cửa doanh nghiệp và làn sóng thất nghiệp, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, không chỉ bó gọn trên phương diện kinh tế.
Lấy lại niềm tin cần phải bắt đầu từ chính nơi niềm tin đã mất! Hiện nay, tâm điểm đang nằm ở “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp gây hiệu ứng tuyết lở lan từ thị trường bất động sản sang các lĩnh vực khác. Do đó, để tạo niềm tin, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải trả nợ đúng hạn trái phiếu, công ty phát hành bảo lãnh phải thực hiện đúng thỏa thuận. Đặc biệt như Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu ngày 23/11, “nếu khó khăn về thanh khoản, lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến phương án bán các tài sản”.
Ở khía cạnh khác, trong khủng hoảng, vai trò của “bàn tay hữu hình” nên được phát huy. Năm 2008, khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn xảy ra, chính phủ Mỹ đã phải thay đổi chính sách, từ việc để doanh nghiệp tự xoay xở theo đúng nguyên tắc kinh tế thị trường sang bơm tiền cứu trợ, ngăn đổ vỡ dây chuyền: Bỏ 200 tỷ USD mua lại 2 “trùm” cho vay mua nhà trả góp là Freddie Mac và Fannie Mac; bỏ 85 tỷ USD mua 80% cổ phần của công ty bảo hiểm AIG. Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu chưa có hồi kết, ngày 15/11/2022, chính phủ Đức đã quốc hữu hóa công ty con cũ của Gazprom là Gazprom Germania. Nguyên nhân là do Berlin lo ngại công ty này mất khả năng thanh toán, qua đó có thể "đe dọa đến an ninh nguồn cung năng lượng của Đức".
Đối với Việt Nam, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp có trái phiếu sắp đến hạn khi tình trạng mất thanh khoản của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang lan nhanh. Đương nhiên, để được “cứu”, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận tái cấu trúc. Bên cạnh đó, dòng tiền cần được khơi thông, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khô máu”. Đầu tư công cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ. Trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài đi xuống và các nguồn vốn khác bị tắc nghẽn, vốn đầu tư công có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng vì khi nguồn vốn này được khai thông, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa rất mạnh, nhất là đối với ngành xây dựng, vật liệu xây dựng… Đây cũng chính là kênh hấp thụ sản lượng cũng như tạo nhiều công ăn việc làm.