Nhà đầu tư rút vốn khỏi quỹ năng lượng sạch vì lo ngại bất ổn chính sách
Trong năm 2024, nhà đầu tư đã rút ròng tổng cộng hoảng 29 tỉ đô la Mỹ khỏi các quỹ tương hỗ tập trung vào năng lượng sạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều kiện kinh doanh khó khăn và triển vọng u ám đối với chiến lược đầu tư có trách nhiệm xã hội sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể là lý do dẫn đến tình trạng này.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Morningstar, các quỹ đầu tư năng lượng sạch trên toàn cầu bị rút ròng 29 tỉ đô la vào năm ngoái. Đó là sự thay đổi lớn so với năm 2021 khi tổng vốn huy động của các quỹ này đạt mức đỉnh 151 tỉ đô la.
Năm 2024 là lần đầu tiên vốn từ các quỹ năng lượng sạch bị rút ròng ít nhất kể từ năm 2019. Điều này phản ánh những thách thức mà lĩnh vực này đang đối mặt bất chấp cộng đồng thế giới đang nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Tài sản nằm dưới sự quản lý của các quỹ năng lượng sạch trên toàn cầu tăng hơn 7 lần trong 4 năm trước đó, lên mức kỷ lục 541 tỉ đô la Mỹ. Nhưng con số này lần đầu tiên giảm xuống, còn 533 tỉ đô la vào năm ngoái, khi mức định giá thị trường tích cực không thể bù đắp hoàn toàn cho làn sóng rút vốn.
Vốn huy động giảm bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng đối với khu vực tư nhân cung cấp thêm vốn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu giữa lúc các chính phủ phải xoay sở với ngân sách căng thẳng sau đại dịch Covid-19. Năm ngoái cũng là năm nóng kỷ lục khi hiện tượng ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng.
Hortense Bioy, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư bền vững của Morningstar cho biết, thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức hôm nay (20-1), đã tạo ra tình trạng không chắc chắn cho hoạt động đầu tư xanh. Vị tân tổng thống của nước Mỹ đang đưa ra thông điệp sẽ bãi bỏ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) cung cấp chương trình trợ cấp khổng lồ cho đầu tư năng lượng sạch.
Bioy lưu ý thêm, các chiến dịch của phe Cộng hòa ở Mỹ chống lại xu hướng đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng cản trở các quỹ năng lượng phát hành chứng chỉ quỹ để huy động vốn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ các quỹ có trọng tâm khí hậu rộng lớn hơn, chẳng hạn như trái phiếu xanh, sản phẩm đầu tư phát thải carbon thấp hoặc chuyển đổi khí hậu.
Các quỹ đầu tư vào lĩnh vực carbon thấp hoạt động tốt hơn thị trường chung trong năm 2024, mang lại lợi nhuận trung bình 13,16% so với 12,08% của các quỹ tập trung vào cổ phiếu vốn hóa thị trường lớn trên toàn cầu.
Nhưng các quỹ đầu tư vào những lĩnh vực có chi phí vốn cao hoặc dựa vào chính sách của chính phủ, chẳng hạn như năng lượng sạch hoặc công nghệ xanh, bị rút vốn. Vốn của các quỹ năng lượng và công nghệ sạch giảm 5,35% trong năm 2024.
Theo Ben Constable-Maxwell, người đứng đầu bộ phận đầu tư tác động của M&G, công ty quản lý tài sản ở Anh, lãi suất tăng cao trong những năm qua gây áp lực lớn cho hoạt động đầu tư năng lượng tái tạo và các công ty tập trung vào khí hậu thâm dụng vốn khác.
“Nhiều loại công ty nằm trong quỹ giải pháp khí hậu thuần túy gặp khó khăn trong việc vận hành và hoạt động đầu tư. Vì vậy, hiệu quả tài chính đang gặp nhiều thách thức. Điều đó làm giảm sự sự quan tâm của khách hàng”, ông nói.
Dữ liệu của Morningstar cho thấy, 81 quỹ khí hậu đóng cửa hoặc sáp nhập vào năm ngoái, tăng từ 49 quỹ vào năm 2023, trong khi chỉ có 74 quỹ được thành lập so với mức cao kỷ lục 295 quỹ vào năm 2022.
Theo báo cáo của và Nhóm chuyên gia cấp cao độc lập về tài chính khí hậu, thế giới cần đầu tư hàng năm cho khí hậu 6.700 tỉ đô la vào năm 2030. Tài chính khí hậu hàng năm đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2018-2022, từ 647 tỉ lên 1.460 tỉ đô la. 50% số vốn này đến từ khu vực tư nhân, với phần lớn đầu tư vào các dự án thay vì thông qua thị trường chứng khoán.
Bất chấp hoạt động rút vốn từ quỹ tương hỗ tập trung vào năng lượng sạch, một số nhà quản lý tài sản cho biết, nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí vẫn mạnh.
Nhà đầu tư trên toàn cầu bao gồm các quỹ hưu trí gần đây nhiệt tình tham gia trong đợt phát hành trái phiếu xanh mới trị giá 500 triệu đô la của Quỹ Đầu tư khí hậu, do Ngân hàng thế giới quản lý, với lượng đăng ký mua cao gấp 6 lần.
Hortense Bioy của Morningstar cho biết, nhiều công ty năng lượng xanh hiện có nền tảng cơ bản tốt hơn so với vài năm trước sau khi buộc phải tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để ứng phó với lãi suất cao và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
“Lúc đó cổ phiếu năng lượng xanh có lẽ đã được định giá quá cao. Câu hỏi đặt ra là bây giờ là cổ phiếu có bị định giá thấp không? Nhưng vẫn còn những điều không chắc chắn xung quanh chính sách của ông Trump và điều gì sẽ xảy ra với IRA”, Bioy nói.
Theo Financial Times