Củng cố quan hệ Đối tác toàn diện với Australia, New Zealand

Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng New Zealand John Key, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Australia từ ngày 17-18/3/2015 và New Zealand từ ngày 19-20/3/2015.

Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Australia

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Australia (chuyến thăm trước diễn ra trong năm 2008). Thời gian qua, quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Australia phát triển tốt đẹp.Trong năm 2013, hai bên triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi và tiếp xúc cấp cao, gần đây nhất là cuộc gặp giữa Thủ tướng Tony Abbott và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên lề Hội nghị APEC Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2014.

Trong chuyến thăm Australia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (9/2009), hai bên nhất trí nâng quan hệ lên Đối tác Toàn diện. Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam với Australia gần đây tiếp tục phát triển thuận lợi trên hầu hết các lĩnh vực. Hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như: ASEAN, EAS, APHC, Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ Australia ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2014, Australia ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Hợp tác kinh tế phát triển mạnh, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 8 và là đối tác đầu tư thứ 19 của Việt Nam . Kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn tăng đều và khá cao, từ mức 32,3 triệu USD năm 1990 lên 5,1 tỷ USD năm 2013 và đạt xấp xỉ 6 tỷ USD năm 2014 (tỉ lệ tăng 10% liên tục trong 10 năm qua với việc Việt Nam luôn xuất siêu). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là: dầu thô, điện thoại và các loại linh kiện...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân tại sân bay New Delhi. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Australia chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường tại Hội nghị cấp cao ASEAN 14 vào tháng 3 năm 2009. Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến nay Australia có 320 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư l,651 tỷ USD. Các dự án FDI của Australia triển khai hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, giáo dục, công nghiệp chế biến, nông lâm nghiệp, thủy sản... Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư trực tiếp vào Australia với tổng giá trị đạt 137 triệu USD, nổi bật là các dự án ở các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Trong lĩnh vực hợp tác an ninh - quốc phòng hai nước phát triển ngày càng đa dạng. Việt Nam là một trong những nước nhận ODA lớn nhất của Australia. Australia duy trì đều viện trợ ODA cho Việt Nam, đạt trên 130 triệu AUD/năm (đạt kỷ lục 150 triệu AUD năm 2012-2013). Trong năm tài khóa 2013-2014, ODA của Australia cam kết dành cho Việt Nam đạt mức trên 138,9 triệu AUD và kế hoạch năm 2014-2015 là 141,3 triệu AUD. Australia viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 160 triệu AUD để xây cầu Cao Lãnh dự kiến hoàn thành 10/2017.

Australia là nước có nhiều sinh viên Việt Nam du học nhất. Trong 40 năm qua, Australia đã cung cấp cho Việt Nam 4.000 học bổng các loại. Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước nhận học bổng về kinh tế của Australia. Australia cam kết cung cấp 1.380 suất học bổng trong giai đoạn 2012- 2015, trong đó có 272 suất học bổng dài hạn và 88 suất học bổng ngắn hạn trong năm 2013. Hiện có 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia. Nhiều trường đại học của Việt Nam có những chương trình liên kết đào tạo ở bậc đại học và sau đại học với các trường của Australia . Hai nước đã ký Thỏa thuận Hợp tác Giáo dục giai đoạn 2013-2018 và thành lập Nhóm Công tác chung Việt Nam - Australia về giáo dục.

Hợp tác trong lĩnh vực khác như lao động, nông nghiệp, du lịch, giao lưu nhân dân đang phát triển tích cực. Kể từ cuối năm 2005 Việt Nam đã đưa được khoảng 1.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Australia trong các ngành dịch vụ (bán vé, bán hàng qua điện thoại, đầu bếp) và một số ngành kỹ thuật đòi hỏi tay nghề cao (thợ sơn, thợ hàn, lắp ráp ô tô...). Hiện hai bên đang xúc tiến việc ký kết Chương trình Lao động Kỳ nghỉ cho phép công dân Việt Nam sang Australia du lịch kết hợp làm việc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước chủ yếu hợp tác tại một số lĩnh vực như cải thiện quản lý nhà nước, phát triển nông thôn, nâng cao sinh kế và phát triển nguồn nhân lực. Chương trình hỗ trợ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích thiết thực.Trong lĩnh vực du lịch, năm 2014 có hơn 321.000 lượt khách Australia đến Việt Nam, đứng thứ 8 trong tốp 10 thị trường gửi khách hàng đầu vào Việt Nam.

Văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai nước được đẩy mạnh, Australia ủng hộ công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới và tài trợ cho Việt Nam 10.000 USD xây dựng các biển chỉ dẫn tại Hoàng thành; đồng thời hỗ trợ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hai bên duy trì cơ chế trao đổi đoàn Hội đồng Giao lưu Chính trị thường niên giữa Đoàn Thanh niên Việt Nam và đại biểu thanh niên Australia . Cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Australia vào khoảng 300.000 người, đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại Australia .

Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - New Zealand

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm New Zealand và năm 2015 cũng là năm Việt Nam và New Zealand kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên dự kiến tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước và tăng cường giao lưu nhân dân.

Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975. Nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tới New Zealand tháng 9 năm 2009, hai nước đã nhất trí nâng quan hệ lên Quan hệ Đối tác Toàn diện. Trong quan hệ chính trị, hai bên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao như Toàn quyền và Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand đã thăm Việt Nam năm 2013 và năm 2014; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm New Zealand năm 2013. Hai nước duy trì hiệu quả các cơ chế như Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao, Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JTEC), Tham vấn Quốc phòng và Tư vấn hàng năm về Hợp tác phát triển Việt Nam - New Zealand.

Việt Nam và New Zealand đều là thành viên của các tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế quan trọng: Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM, các cơ chế của ASEAN... Hai nước đang tích cực và thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và New Zealand phát triển mạnh với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 300 triệu USD năm 2009 lên 794 triệu USD năm 2014 (tăng bình quân 20%/năm). New Zealand hiện là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác lớn thứ 20 của New Zealand.

Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tăng lên 750 triệu USD năm 2013, với tốc độ tăng binh quân trên 20% năm. Tính đến hết tháng 9/2014, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nuớc đạt 590 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013.

New Zealand có 25 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 82 triệu USD, vốn thực hiện đạt 44,23 triệu USD, đứng thứ 42/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có 2 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand là Công ty Sữa Vinamilk liên doanh với công ty Mikara và dự án do 1 cá nhân Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ. Mức ODA của New Zealand dành cho Việt Nam ổn định và tăng dần theo từng năm, từ 3,2 triệu NZ$ năm tài chính 2003-2004 lên 10,5 triệu NZ$ trong năm tài khóa 2012 - 2013; tập trung vào các lĩnh vực như phát triền nguồn nhân lực, và giáo dục - đào tạo, phát triển nông nghiệp-nông thôn, phát triển - bền vững. Các địa phương thụ hưởng chính bao gồm: Cao Bằng, Hà Nam , Bình Định, Bến Tre, Gia Lai, Tây Nguyên.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải phát triển mạnh mẽ. New Zealand tiếp nhận mỗi năm 100 công dân Việt Nam sang du lịch kết hợp làm việc (từ năm 2012). Trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, hai bên đã thảo luận và đang tiến tới ký kết Thỏa thuận về An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động, thực vật. Hiện trái xoài và thanh long là hai mặt hàng hoa quả tươi của Việt Nam đã được phép vào thị trường New Zealand.

Hiện có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam đang học tại New Zealand (đứng thứ 9 trong số các quốc gia có sinh viên học tại New Zealand). Hai nước ký Thỏa thuận Hợp tác về Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2 từ 2012-2015 nhân chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ năm 2012. New Zealand tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành khác nhau tại các trường đại học của New Zealand và duy trì Chương trình đào tạo tiếng Anh cho cán bộ và cán bộ cấp cao của Chính phủ Việt Nam.

Cộng đồng người Việt Nam sống ở New Zealand có khoảng 5.000 người Việt Nam, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Chrischurch và Wellington. Đại bộ phận kiều bào có cuộc sống ổn định và có tinh thần hướng về quê hương đất nước.

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tiếp tục củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện với Australia và New Zealand; tranh thủ nguồn vốn viện trợ phát triển, đầu tư trực tiếp của hai nước, mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, giáo dục, khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến, tài chính, ngân hàng, dịch vụ; phát huy những thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện, phát triển quan hệ với chính giới, nhân dân và cộng đồng người Việt ở hai nước.

Thanh Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/cung-co-quan-he-doi-tac-toan-dien-voi-australia-new-zealand-20150314131338426.htm