Củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế vùng Nam Tây Nguyên

'Đứng chân trên địa bàn chiến lược Nam Tây Nguyên, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên, Binh đoàn 16 đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trên địa bàn các địa phương, góp phần làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ'-đó là khẳng định của Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm, làm việc với Binh đoàn 16 vào tháng 1 vừa qua.

Những bản làng đổi thay, trù phú

Cách đây ít ngày, chúng tôi có dịp đến thăm khu dự án KT-QP của Binh đoàn 16 tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Những bản làng, bon, ấp của cộng đồng các dân tộc do Binh đoàn 16 thành lập trên vùng đất khó nay phát triển mạnh mẽ nhờ hệ thống hạ tầng thuận tiện. Hai bên trục đường bê tông dẫn vào bản là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang. Ban đêm, điện dân sinh thắp sáng một vùng. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mông xã Đắk Ngo đã được dùng nước sạch từ công trình do Binh đoàn 16 xây dựng, bàn giao, mang lại niềm vui cho hơn 300 hộ dân. Ông Sùng A Của, Trưởng bản Si Át cho biết: “Chỉ vài năm trước thôi, cả bản chẳng ai dám nghĩ sẽ có ngày được dùng nước sạch dẫn về tận nhà thay cho nước suối. Bây giờ, mùa khô hay mùa mưa cũng không lo thiếu điện, thiếu nước; đường sá thênh thang, sạch sẽ... Nhiều nhà còn có cả ô tô! Đời sống của bà con bản Mông ấm no, sung túc nhờ bộ đội Binh đoàn 16 giúp sức chăm lo, hỗ trợ kinh phí thi công nhiều công trình dân sinh hữu ích”.

Các y sĩ, bác sĩ Binh đoàn 16 khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Ảnh: ANH ĐỨC.

Các y sĩ, bác sĩ Binh đoàn 16 khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Ảnh: ANH ĐỨC.

Những năm trước, khi lên vùng dự án KT-QP ở địa bàn Tuy Đức, chúng tôi phải vượt qua quãng đường chênh vênh, hun hút, “mưa mang áo giáp (quấn xích vào bánh xe để chống trượt), nắng mặc áo mưa (che bụi)”; thiếu trường học, thiếu trạm y tế, trẻ em trong độ tuổi đến trường chủ yếu ở nhà... nghịch đất hoặc theo cha mẹ làm rẫy, làm nương; người già ốm đau nặng lắm mới được đưa về trung tâm y tế huyện cách xa vài chục cây số... Giờ đây, tất cả đã đổi thay kỳ diệu nhờ những dự án KT-QP ngày càng hiệu quả. Theo Đại tá Nguyễn Văn Trọng, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 16, nắm vững đặc điểm, tình hình địa phương và chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào, người lao động vùng dự án, thực hiện mục tiêu an dân, tạo “phên giậu” vững chắc bảo vệ Tổ quốc; tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, như: Giao thông, thủy lợi, lưới điện, trường học, bệnh xá và các công trình thiết yếu phục vụ di dân, giãn dân, phát triển sản xuất. Quán triệt, thực hiện phương châm “phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút người lao động địa phương đến đó”, Binh đoàn chú trọng xây dựng các cụm, điểm dân cư gắn với khu vực sản xuất của các nông trường, xí nghiệp; đội sản xuất đan xen với các thôn, bon, bản; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, người địa phương trở thành lao động của Binh đoàn.

Tính đến nay, Binh đoàn 16 đã xây dựng hơn 400km đường giao thông, 200km đường điện trung thế và hạ thế, gần 40 hồ, đập, công trình thủy lợi, 80 phòng học, 42 nhà trẻ, 4 bệnh xá, 1 bệnh viện quân dân y, 1 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 5.000 tấn/năm; tiếp nhận, ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 hộ dân với khoảng 25.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 1.900 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; nhận phụng dưỡng nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nuôi dưỡng 18 cháu người dân tộc Mông mồ côi, hỗ trợ và nhận nuôi 59 cháu có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”... Đồng chí Hồ Xuân Hậu, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức nhấn mạnh: “Với tình cảm và trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, Binh đoàn 16 đã phát huy tốt vai trò trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa; sát cánh cùng chính quyền và nhân dân xây dựng những bản làng ấm no, trù phú, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc”.

Tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Binh đoàn 16 chú trọng thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn và các đơn vị trực thuộc luôn chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thành công nổi bật của Binh đoàn là tổ chức lại dân cư tại chỗ và bố trí định canh, định cư cho đồng bào du canh, du cư theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu lâu dài về quốc phòng, an ninh, hình thành các cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, mô hình cụm dân cư biên giới đang ngày một phát triển, khẳng định cách làm đúng đắn của Binh đoàn và chính quyền địa phương. Nhiều xã giáp ranh thuộc tỉnh Bình Phước, Đắk Nông cũng áp dụng mô hình này để quản lý, bảo vệ địa bàn. Hiệu quả công tác phối hợp, đan xen làm giảm hẳn tình trạng gây rối, bất ổn, mất an ninh trật tự tại địa phương.

Theo thống kê, Binh đoàn 16 đã phối hợp tiếp nhận, sắp xếp, bố trí ổn định 56 cụm, điểm dân cư gắn với đội sản xuất dọc tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, tạo nên thế trận quốc phòng, an ninh liên hoàn vững chắc; thành lập 3 cụm bản làng người Mông tiêu biểu. Theo Đại tá Phạm Bá Hiền, Tư lệnh Binh đoàn 16, những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng thường trực vững mạnh; nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng tự vệ, dự bị động viên; duy trì nghiêm chế độ huấn luyện, luyện tập sẵn sàng chiến đấu từ cơ quan đến tổ, đội sản xuất; quy hoạch đầu tư xây dựng công trình phòng thủ, cơ sở hạ tầng mang tính lưỡng dụng, nhất là trên các hướng, địa bàn trọng điểm, xung yếu. Đặc biệt, Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an, Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tập huấn kiến thức nghiệp vụ quản lý địa bàn, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bon, bản; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân địa phương đề cao cảnh giác, không mắc mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, tăng cường thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn dân cư.

Ngoài ra, Binh đoàn 16 còn thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, vận động nhân dân hai bên biên giới đoàn kết, hợp tác chặt chẽ để tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thuận hòa. Binh đoàn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với LLVT và nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới là Kratíe, Mondulkiri (Campuchia) thông qua các hoạt động giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau để củng cố niềm tin, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng biên giới hữu nghị, yên bình.

Đại tá Lê Quang Sáu, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 16, nhấn mạnh: Phát huy truyền thống “Đoàn kết vượt khó, gắn bó với dân, KT-QP, vững mạnh phát triển”, Binh đoàn 16 luôn sát cánh với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương chăm lo phát triển an sinh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động trong vùng dự án, nhất là các hộ dân tộc thiểu số và đồng bào vùng sâu, vùng xa; quan tâm củng cố mối quan hệ tốt đẹp ở khu vực biên giới, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.

CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cung-co-quoc-phong-phat-trien-kinh-te-vung-nam-tay-nguyen-719198