Cùng con thở nhịp bình yên
Nghe nhà thơ Lê Minh Quốc kể về những câu chuyện khi anh làm cha tại buổi giao lưu ra mắt cuốn sách 'Từng ngày ba mẹ thở theo con' hồi cuối tuần, thỉnh thoảng người tham dự phì cười vì sự 'ngớ ngẩn' của một ông bố như anh. Và khi bạn đọc đến với cuốn sách là đã cùng anh trôi qua dòng chảy tình cảm dịu dàng, ấm áp rồi sẽ nhủ rằng: bất kỳ đứa con nào có ba mẹ từng ngày 'thở theo con' thì chắc chắn đứa con ấy sẽ sống bình yên.
Một tình yêu vĩnh viễn thuần khiết
Đọc xong cuốn tập tạp bút Từng ngày ba mẹ thở theo con hẳn nhiều người sẽ vẫn còn tủm tỉm cười vì những câu chuyện tác giả kể. Những ai biết anh còn thấy buồn cười nhiều hơn vì một tác giả viết đa dạng, viết nhanh và khỏe như Lê Minh Quốc vậy mà đọc cuốn này hình dung ra ngay anh – một người cha lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng ghi lại cảm xúc của mình dành cho con một cách nhanh chóng nhất vì chúng ùa ra nhanh quá, sợ chậm tay một chút sẽ không kịp.
Mạch văn trong tập sách nhanh, câu văn giản dị xen lẫn những đoạn thơ, thường dùng thán từ và các câu hỏi khiến cho ý tứ của tác giả đáng yêu vô cùng. Điều đó cho thấy với Lê Minh Quốc cảm xúc này mới mẻ quá và sinh con ra khiến anh “vỡ lẽ” nhiều thứ quá.
Viết cho con quả là những trang anh bày tỏ tình cảm thuần khiết nhất và tình cảm ấy sẽ không bao giờ thay đổi. Trong buổi giới thiệu sách, anh vui vẻ chia sẻ: “Cái tôi “mệt mỏi” nhất trong cuốn sách này là tìm người viết lời tựa. Tôi có quá nhiều bạn bè, nhưng để viết cho con, tôi chọn người phải có “nhân thân tốt”, có chữ nghĩa và đời sống gia đình hạnh phúc”. Điều đó hẳn nhiên, vì anh muốn đem điều đẹp nhất đến con gái mình.
Như một cuốn nhật ký dành cho con và gia đình, tập sách được sắp xếp theo bố cục ba phần. Đó là hành trình của người cha sống cùng những cảm xúc lạ lẫm từ khi con còn là bào thai cho đến khi hình hài ấy được sinh ra và lớn lên từng ngày với nào là tã sữa; là từng trận khóc đêm hay ngày con chập chững đến trường và cuối cùng là những tâm tình gửi gắm vào ấy triết lý sống mong con có một cuộc đời ý nghĩa.
Những câu chuyện ấy liệu có riêng tư quá không? Đó là câu hỏi tác giả đã đặt ra cho mình nhưng rồi anh cứ viết, bằng những mẩu chuyện và cảm xúc chân thật nhất. Trẻ nhỏ đọc thấy rằng ồ, ba mẹ đã yêu mình như thế, vụng về và bao la. Người lớn thấy rằng, hóa ra mình cũng giống ông tác giả này, mỗi khi trong nhà có một mầm sống được sinh ra là ngay lập tức hiện ra một tình yêu “mãi non tơ” và “vô điều kiện, phi thời gian, phi không gian”.
Có thương sẽ có lo nên anh đã tưởng tượng… hơi xa: đến ngày con gái ra dáng thiếu nữ, xúng xính áo dài xuống phố, sau ngày con mặc áo dài lên xe hoa về nhà chồng liệu là những ngày an vui hay cơm không làm canh không ngọt.
Đấy, “thở theo con” là nhịp thở của ba mẹ được “quy định” bởi tâm lý, sức khỏe và cả hoàn cảnh sống của con mình. Diễm phúc cho những đứa trẻ được lớn lên trong tiếng “ba mẹ thở theo con”.
Chuyện của mỗi đứa con đều đáng được kể lại
Chuyện riêng của tác giả hóa ra đã thành chuyện chung vì đó là những cảm xúc mà ba mẹ nào cũng gặp, chẳng ai độc quyền, nên dễ dàng chạm tới trái tim bạn đọc. Đi theo từng con chữ của tác giả, chúng ta cùng cười và cảm động với từng bày tỏ của anh: hồi hộp như thế nào khi đưa vợ đi sinh và ngỡ ngàng khi cô hộ lý đưa tấm phiếu “Xem bé”; lúc lăng xăng với tã sữa và cảm giác lo lắng không thể nào yên vì hôm đó không có cô giáo đón ngoài cổng, con phải tự đi vào lớp. Ai mà ngờ, để thoát khỏi nỗi lo của mình, người đàn ông ngoài 60 bèn nghĩ ra một “mưu kế” đem con thú bông đến trường xin vào lớp đưa con chơi.
Như mọi người cha mê con, Lê Minh Quốc mải mê ngắm một mầm sống đang nằm nôi, như một sự tái sinh kỳ diệu từ mình, bên cạnh đó sẽ là trách nhiệm chăm sóc, là từ bỏ những thú vui đã từng mà dành thời gian cho con để sự tái sinh được hoàn thiện hơn. Chính vì thế, có nhiều điều anh muốn tâm tình cùng con, lồng trong những câu chuyện anh kể con nghe là nói với con về cách bước đi trên đôi chân của mình, về lòng nhân ái, về sự biết ơn, về cảm nhận hạnh phúc, cách đối mặt với khó khăn và dù tái sinh nhưng con cái hãy sống cuộc đời của mình chứ đừng là bản sao của ai khác, kể cả của ba mẹ.
Tin rằng chuyện của mỗi đứa con đều đáng được kể lại, tác giả muốn rủ rê: “Trên trái đất này, dưới gầm trời này, tình yêu của ba mẹ dành cho con cái là bình đẳng, như nhau. Tôi muốn truyền một cảm hứng đến mọi người, rằng tất cả chúng ta đều thương con, thế thì tại sao chúng ta không viết về con mình.
Bạn nói rằng tôi không có thời gian, tôi không có kinh nghiệm viết, tôi không hiểu viết lách là gì… thì cuốn sách này sẽ thêm cảm hứng cho bạn viết, hoặc nếu chưa viết thì khi bạn đọc sách này sẽ nhớ ra à, ngày xưa ba mẹ mình cũng thương mình thế này, mình cũng thương con mình thế này”.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cung-con-tho-nhip-binh-yen-38537.html