Cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết, phát triển
'Chưa từng có cuộc đấu tranh nào lại nhận được sự ủng hộ hiệu quả, thiết thực của đông đảo nhân dân thế giới như cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nhân loại vì Việt Nam mà xích lại gần nhau hơn'.
Đó là đánh giá của ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Các hình ảnh về ngày giải phóng miền Nam được trưng bày tại chuyên đề “Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975”, ngày 24/4/2025 tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: Thu Hương/TTXVN
Bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam
Trước, trong và sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973), các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên toàn thế giới đã dành sự ủng hộ, giúp đỡ và viện trợ có hiệu quả, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này.
Nhân dân Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô (cũ), Trung Quốc và các nước trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa về vật chất và các cố vấn, chuyên gia kỹ thuật. Các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh luôn coi cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng đã sớm dấy lên phong trào đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam, bằng nhiều hình thức phong phú và sôi nổi.

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba Fidel Castro phất cao lá cờ truyền thống của Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên - Huế (Quảng Trị, ngày 15/9/1973). Ảnh: TTXVN
Người Việt Nam không bao giờ quên câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro tại Hội nghị đoàn kết ba châu lần thứ nhất tổ chức tại Habana (1966): “Máu của Việt Nam cũng là máu của Cuba. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” và khẩu hiệu của nhân dân Ấn Độ “Tên anh là Việt Nam, tên tôi là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam” khẳng định sự đoàn kết ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày 18/5/1969, hội nghị quốc tế ủng hộ Việt Nam khai mạc tại Stockholm, Thụy Điển. Tại hội nghị này, hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia và 21 tổ chức quốc tế đã hoan nghênh lập trường của Việt Nam, đồng thời mạnh mẽ yêu cầu Mỹ phải rút quân ra khỏi Việt Nam, chấm dứt chiến tranh.
Tại Pháp có phong trào quyên góp "100 triệu franc ủng hộ Việt Nam"; tại Thụy Điển, phong trào "Một triệu krona ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam" được triển khai rầm rộ; chiến dịch quyên góp "100 triệu yên cho Việt Nam" tại Nhật Bản cũng thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Đồng hành với các hoạt động ủng hộ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp đã tổ chức "Đêm thức vì hòa bình ở Việt Nam"; thanh niên Thụy Điển cũng đã lập ra "chiến khu giải phóng" giữa lòng thủ đô Stockholm. Thanh niên Thụy Điển đã lấy cảm hứng từ lá cờ Mặt trận và bài hát Giải phóng miền Nam làm cờ và bài ca chính thức, lập ra nhóm hành động ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng với đó, nhân dân Cộng hòa Liên bang Đức đã sôi sục biểu tình tại hơn 50 thành phố để phản đối Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng của Việt Nam…
Các quốc gia như: Argentina, Uruguay, Costa Rica, Congo, Somalia đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, giới thiệu về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam; đồng thời thể hiện lòng nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam...
Trong những năm tháng đó, phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ thực sự là một phong trào nhân dân chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Báo chí Mỹ gọi đó là “Cuộc chiến tranh ở trong lòng nước Mỹ”. Ngày 24/3/1965, cuộc hội thảo đầu tiên về chiến tranh Việt Nam được tổ chức tại Trường đại học Michigan với hơn 3 nghìn sinh viên tham dự, sau đó đã nhanh chóng lan ra các trường đại học khác. Phong trào đấu tranh của sinh viên từ các giảng đường đã lan tỏa ra các đường phố. Ngày 8/6/1965, hơn 18 nghìn người đã tụ họp tại New York quyết định: "Tất cả những ai chống chiến tranh Việt Nam phải xuống đường". Các cuộc đấu tranh từ tự phát chuyển sang có tổ chức. Sinh viên đã lập ra "Ủy ban phối hợp toàn quốc nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam".
Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ tập hợp nhiều tầng lớp thanh niên, sinh viên, phụ nữ, công nhân, trí thức, nhà báo, chức sắc tôn giáo… với các hình thức đấu tranh phong phú. Đặc biệt, nhiều vụ tự thiêu của người dân Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam: ông Norman Morrison tự thiêu trước Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Roger Allen LaPorte tự thiêu trước trụ sở Liên hợp quốc, bà Alice Herz tự thiêu ở thành phố Detroit…
Trong lịch sử phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên thế giới, đã có những con người dù ở cách xa nghìn dặm vẫn hết lòng đồng hành với nhân dân Việt Nam. Trong số đó, có ông Hikawa Hiroshi, một đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản. Sát cánh cùng ông Hikawa trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam là người vợ thân yêu Hikawa Naoko. Trong thời gian hai người tìm hiểu, bà được ông kể cho nghe những câu chuyện đau thương và bất công mà nhân dân Việt Nam đang gánh chịu dưới bom đạn của chiến tranh. Sự thấu cảm lớn dần trong trái tim bà, thôi thúc bà bước vào con đường hoạt động phản chiến, bà cùng ông Hikawa tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh do Đảng Cộng sản Nhật Bản tổ chức. Từ tình yêu cá nhân, họ đã cùng nhau chia sẻ một lý tưởng lớn: Lý tưởng vì hòa bình và công lý cho nhân dân Việt Nam...
Khắc ghi sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân 1975. Sáng 30/4/2025, trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục khẳng định: "Chúng ta chân thành cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, chí nghĩa, chí tình, thủy chung, son sắt của anh em, đồng chí và bạn bè quốc tế, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam".
Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng; từ đường lối chiến tranh nhân dân, tiến hành bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; từ sự kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và nghệ thuật chọn đúng thời cơ, tập trung lực lượng tiến hành tổng tấn công và nổi dậy; từ sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam, với tinh thần: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; từ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình và hiệu quả của Liên Xô (cũ), Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em; tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia; nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập tiệm cận trung bình cao, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, có vai trò chủ động, tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, là một dân tộc đã trải qua muôn vàn đau thương và tổn thất vì chiến tranh trong quá khứ và cũng là dân tộc được thụ hưởng những lợi ích to lớn từ hòa bình, hợp tác hữu nghị trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam tha thiết mong muốn cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết, phát triển.
"Chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm được ngày hôm nay, với mong muốn để lại cho thế hệ mai sau không chỉ một thế giới tốt đẹp hơn, mà cả niềm tin và sự cảm phục về ý thức trách nhiệm và sự thông tuệ của thế hệ hôm nay", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Chúng ta sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới; đẩy mạnh thực hiện phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”...