Cùng cộng đồng trách nhiệm
Ô nhiễm không khí đã và đang là vấn đề nan giải đối với nhiều thành phố lớn trên thế giới. Hà Nội là thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển nên tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng luôn là vấn đề 'nóng'.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3-7-2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy, Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 1-6-2017 về khắc phục các tồn tại, hạn chế; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để bảo vệ môi trường thành phố, trong đó Thành phố đã tập trung triển khai các giải pháp để quản lý nguồn thải, khắc phục ô nhiễm, tăng cường năng lực quản lý chất lượng môi trường không khí, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Ngày 25-12-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có Chỉ thị số 19/CT-UBND, về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Dù vậy, đến nay, việc triển khai thực hiện trên thực tế còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, ngay trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (PM10 và PM2.5) trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng. Để đạt được mục tiêu cuối năm 2020 tạo chuyển biến căn bản về chất lượng không khí tại Thủ đô, còn rất nhiều việc phải làm.
Trước hết là các cấp ủy, chính quyền cùng các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố. Trong đó tập trung ngăn chặn tình trạng đốt rơm, rác thải đang diễn ra; xử lý nghiêm các công trường xây dựng, các phương tiện giao thông chở vật liệu gây rơi vãi nhằm hạn chế các nguồn gây ô nhiễm không khí. Mặt khác, cần thu gom triệt để rác thải trên các tuyến giao thông, tăng cường phun nước rửa đường trong ngày hè nóng nực, khi thời tiết hanh khô để ngăn chặn bụi phát tán. Đồng thời tiếp tục gia tăng diện tích cây xanh, không gian xanh trong thành phố cũng như thúc đẩy phát triển các hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường; nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông phù hợp, có chế tài để hạn chế, từng bước loại bỏ phương tiện lạc hậu, cũ nát…
Về lâu dài, để có một thành phố “xanh”, Hà Nội rất cần một chiến lược phát triển và sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và cơ chế, chính sách đầu tư cho lĩnh vực năng lượng tái tạo...
Điều quan trọng nhất là các ngành, các cấp cần nâng cao sự hiểu biết cũng như trách nhiệm của người dân đối với việc giảm thiểu ô nhiễm không khí. Mỗi người dân hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ trong đời sống thường nhật để thay đổi các thói quen, như thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng; trồng thêm cây xanh, tạo dựng không gian xanh trong gia đình để điều hòa không khí; không đốt rơm, rác, phế thải…
Chất lượng môi trường nói chung và không khí nói riêng phụ thuộc vào chính ý thức của con người. Do vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người dân Hà Nội cần ý thức hơn trong mỗi hành động, mỗi việc làm... để từ đó cộng đồng trách nhiệm, góp phần tạo chuyển biến căn bản về chất lượng không khí, nâng cao chất lượng sống.