Cùng doanh nghiệp giải bài toán ổn định nguồn lao động
Nam Định đang có bước chuyển mạnh trong thu hút đầu tư, ngày càng gia tăng sức hút các doanh nghiệp nước ngoài, quy mô lớn. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là nguồn lao động phổ thông, ngày càng căng thẳng. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cũng gây cho thêm nhiều hệ lụy... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nam Định đang có bước chuyển mạnh trong thu hút đầu tư, ngày càng gia tăng sức hút các doanh nghiệp nước ngoài, quy mô lớn. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là nguồn lao động phổ thông, ngày càng căng thẳng. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cũng gây cho thêm nhiều hệ lụy, bất cập trong ổn định việc làm, giữ chân người lao động, nhất là lao động chất lượng cao tại các doanh nghiệp.
Khó khăn trong tuyển dụng, ổn định lao động
Theo đại diện của Công ty CP Thời trang Thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy: Doanh nghiệp đã phân bổ địa điểm, đầu tư 3 cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Giao Thủy với quy mô giải quyết việc làm cho 4.200 lao động. Dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đã chú trọng đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, mức lương, cung cấp các điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, nhưng Công ty mới thu hút, giữ chân được khoảng 3.600 lao động. So với quy mô hiện tại, Công ty vẫn thiếu 600 lao động. Chưa kể đến những bất cập trong thực tế khi rất nhiều lao động nữ thường xin nghỉ, giảm giờ làm hoặc xin chuyển vị trí sang làm việc tại bộ phận đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Lý do là các lao động ở tuổi có con học tiểu học nhưng các trường học tại địa phương không tổ chức ăn bán trú trong khi họ không có điều kiện thuê hay nhờ người khác đưa đón con em 4 lượt/ngày. Nhiều công nhân của Công ty có nguyện vọng, mong muốn huyện xây dựng thêm hoặc bản thân các trường tiểu học đang hoạt động trên địa bàn nghiên cứu, tổ chức bữa ăn nội trú cho học sinh. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động giảm bớt lượt đưa đón con em, thuận lợi trong ổn định thời gian lao động. Đại diện Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam thì phản ánh: “Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Ấn Độ), sau hơn 4 năm đầu tư, phát triển tại CCN thị trấn Cát Thành (Trực Ninh), Công ty đã quyết định đầu tư thêm 4 xưởng may, nâng tổng vốn đầu tư lên 3 triệu USD với quy mô giải quyết việc làm mới cho 200 lao động, nâng tổng lao động của doanh nghiệp lên 1.150 lao động. Tuy nhiên, việc tuyển chọn, sử dụng lao động của Công ty cũng có nhiều biến động do thực tế trên địa bàn huyện thiếu nhân lực ngành dệt may dẫn đến sự cạnh tranh tuyển dụng. Nhiều lao động thường “nhảy việc” sang các đơn vị có chính sách đãi ngộ hấp dẫn mới”. Trước tình trạng căng thẳng về nguồn lao động, các doanh nghiệp đã tăng cường cải thiện điều kiện làm việc cũng như các chế độ hưởng lợi cho người lao động như đảm bảo về thu nhập, phúc lợi; nhiều doanh nghiệp “hạ chuẩn” trong quá trình tuyển dụng, sẵn sàng chấp nhận đào tạo nghề cho những lao động chưa có tay nghề... Cũng theo ý kiến của các doanh nghiệp, lao động tại một số ngành nghề trên địa bàn tỉnh đang dần “cạn nguồn” buộc doanh nghiệp phải mở rộng thu hút lao động ở các địa phương lân cận. Cụ thể như ý kiến của ông Đào Văn Phương, Giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định: “Tại địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng công nhân trong một số ngành như: dệt may, giầy da. Chỉ tính riêng KCN Bảo Minh (Vụ Bản) đã thu hút khoảng 14 nghìn lao động của các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, thành phố Nam Định và một số huyện của tỉnh Hà Nam. Hiện tại, KCN Bảo Minh đang được tập trung đầu tư mở rộng, tiếp tục thu hút thêm doanh nghiệp sẽ kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động khá cao và đối diện với nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng công nhân giữa các doanh nghiệp”.
Bên cạnh các khó khăn mang tính chất dài hơi, các doanh nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn trước mắt trong ổn định, đảm bảo việc cho người lao động trước tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Như phải tốn kinh phí và nhân lực cho khâu kiểm soát, ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp; ứng phó trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội và một số lượng lớn chuyên gia nước ngoài phải cách ly.
Phương án gỡ khó
Trước thực trạng kể trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, khắc phục các vướng mắc, bất cập. Ngay khi dịch bệnh tái bùng phát, các ngành chức năng, các địa phương đã hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người lao động. Nhờ đó, các doanh nghiệp đều chủ động cấp phát khẩu trang, xà bông, nước sát khuẩn cho người lao động; phun khử trùng nhà xưởng; chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có lao động là người nước ngoài trở về nước trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ngành chức năng, các địa phương đều tích cực hỗ trợ để đảm bảo khi quay trở lại đều được hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập cảnh trong khuôn khổ thời gian quy định, hỗ trợ thực hiện các quy định về phòng chống dịch, nhất là quy định về thời gian cách ly. Đáng chú ý, các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài đều được tổ chức công đoàn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc để người lao động tại đơn vị không quá lo lắng, kỳ thị; không để một bộ phận người lao động lấy cớ dịch để ngừng việc, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.
Để giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các ngành công nghiệp chủ lực, thiếu lao động cục bộ giữa các doanh nghiệp cùng ngành, các ngành, các địa phương cũng có phương án phản hồi với các đề xuất của doanh nghiệp. Cụ thể như huyện Giao Thủy đã nhận thấy, thực tế trên địa bàn huyện có khá nhiều nhân lực trong độ tuổi lao động đi làm cùng ngành nghề doanh nghiệp ở địa phương đang thiếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi so với người lao động tại địa phương, thu nhập của nhiều lao động đi làm ăn xa cao hơn không đáng kể, thậm chí còn thấp hơn và phải chi trả nhiều khoản chi phí sinh hoạt, thuê nhà... Vì vậy, ngành chức năng huyện Giao Thủy dự kiến sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đi làm ăn xa trở về. Để tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, huyện cũng dự kiến sẽ nghiên cứu, tổ chức làm việc trực tiếp với các xã, thị trấn, rà soát thực trạng, từ đó cân nhắc phương án có xây dựng thêm trường học hoặc nghiên cứu tổ chức ăn bán trú cho các học sinh trong điều kiện huyện đã và đang có nhiều doanh nghiệp tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh quy mô lớn tại địa bàn.
Về chiến lược dài hơi, trong Chương trình hành động số 01-CT/TU ngày 12-1-2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 Tỉnh ủy đã đưa ra giải pháp chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, các ngành, các địa phương sẽ tăng cường kiểm soát, khuyến khích các doanh nghiệp thực thi đầy đủ, hiệu quả các quy định pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp để người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, dự báo thị trường lao động và kết nối cung cầu lao động theo hướng nhà quản lý và doanh nghiệp phải tiếp cận, kết nối với nhau ngay từ khâu đề xuất, thẩm định đầu tư. Qua đó, nhà quản lý nắm rõ nhu cầu về cơ cấu, phân kỳ tuyển dụng của các doanh nghiệp, tạo cơ sở cho việc hoạch định các chính sách điều tiết thị trường lao động; về phía các doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tham vấn các thông tin về số lượng, chất lượng nguồn lao động trong hiện tại và cả dự báo để có chiến lược mở rộng sản xuất kinh doanh phù hợp. Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, đáp ứng yêu cầu phục vụ các các ngành sản xuất chủ yếu trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy