Cùng doanh nghiệp 'lập đỉnh' xuất khẩu gạo
Bộ Công thương cho biết, 10 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, cả năm sẽ xuất khoảng 8 triệu tấn gạo. Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn từ Agribank phục vụ cho thu mua lúa gạo; kỳ vọng sẽ lập đỉnh xuất khẩu gạo đạt 4,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn
Nhận thấy tiềm năng của ngành lúa gạo, Công ty TNHH Lương thực Phước Hưng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư hệ thống công nghệ sấy và xay xát đồng bộ. Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất được hơn 80.000 tấn gạo. Xuất khẩu thuận lợi, doanh nghiệp được ngân hàng cấp sẵn hạn mức trên 100 tỷ đồng, đồng thời cũng được giảm lãi suất cho vay.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phước Hưng - Trần Phước Hưng, mức lãi suất đỉnh điểm là 9,5%/năm nhưng nay đã giảm 3%, còn 6,5%/năm. Chính nhờ sự hỗ trợ này, Công ty TNHH Lương thực Phước Hưng đã chủ động thu mua lúa gạo từ bà con. "Điều này giúp chúng tôi có cơ hội ngay khi đơn hàng về và hiện nay hơn 90% hàng trong kho của Công ty đã có đơn hàng xuất khẩu" - ông Hưng nói.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Hoàng Minh Nhật đã được giảm lãi suất 3 lần, giúp họ có điều kiện cân bằng chi phí khi giá thu mua lúa tăng cao.
"Do giá trị ngành hàng tăng giá, sản lượng ổn định, nhu cầu sẽ tăng lên theo tỷ lệ % của giá trị ngành hàng. Trên thực tế, giá gạo xuất khẩu được dự báo không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân là do lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng lúa gạo của các nước trên thế giới rất lớn, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và Trung Quốc" - ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật cho biết.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại ngành lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long đã được các ngân hàng cho vay gần 103.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tăng trưởng tốt nên các ngân hàng cũng phải cạnh tranh nhau để cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vay.
Trước tình hình trên, việc mở rộng cho vay theo chuỗi cũng là đề xuất được nhiều doanh nghiệp kiến nghị với ngân hàng để tạo đà hỗ trợ tốt hơn cho lĩnh vực lúa gạo.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn được giảm thêm lãi suất vay vốn bằng ngoại tệ, do chúng tôi có nguồn thu ổn định từ xuất khẩu" - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phước Hưng - Trần Phước Hưng đề xuất.
Agribank sẵn sàng đáp ứng
Đến ngày 31.8.2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt 232.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ của Agribank. So với các khu vực khác, đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là khu vực có mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hệ thống Agribank, với doanh số cho vay 8 tháng năm 2023 đạt hơn 238.000 tỷ đồng, cao hơn 22.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản, lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Agribank chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay toàn khu vực. So với các ngành, lĩnh vực khác, tín dụng đối với ngành lúa gạo và thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong 8 tháng năm 2023 đã có sự tăng trưởng cao so với mặt bằng chung tăng trưởng tín dụng toàn ngành, tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 9,7% và 7,1%.
Về lĩnh vực lúa gạo, đến 31.8.2023, tổng dư nợ của Agribank đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2022, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt hơn 27.000 tỷ đồng với gần 33.000 khách hàng, là khu vực cho vay ngành lúa, gạo lớn nhất cả nước với tỷ trọng 48%, tăng 2.500 tỷ đồng (tăng 9,7%) so với cuối năm 2022.
Để tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng, thời gian qua Agribank đã triển khai hàng loạt biện pháp như: giảm lãi suất cho vay; triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi; cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...
Trong 8 tháng năm 2023, Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3 - 2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2 - 3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3 - 4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản…; triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2 - 3% so với lãi suất cho vay thông thường; 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ cho vay trung hạn hiện hữu, khoảng 425.000 tỷ đồng với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 640 tỷ đồng, dự kiến tổng số tiền lãi giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (tính đến hết tháng 8.2023, doanh số cho vay của chương trình là 12.500 tỷ đồng, tổng số lãi hỗ trợ đạt 71 tỷ đồng).
Ngoài ra, để tăng cường hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Agribank đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, chủ trì, triển khai thực hiện, trong đó có chương trình Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.