Cùng đồng hành chia sẻ

Đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội. Hàng nghìn doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, kéo theo đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng năm 2020 tăng 3,43% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước. Đó cũng là kết quả của việc thời gian qua Hà Nội đã coi tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu. Con số này là tổng hòa từ sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, ngành, tổ chức công đoàn và người lao động.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 chưa rõ thời điểm kết thúc nên khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô nói chung cũng như đời sống công nhân lao động nói riêng chưa có điểm dừng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức từ phía cơ quan quản lý nhà nước, sự chung tay của các cấp công đoàn và sự chia sẻ từ người lao động.

Trước hết là tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Trong đó từ nay đến cuối năm 2020, tập trung vào khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Các sở, ngành cần phối hợp nắm bắt chính xác nhu cầu về vốn, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư…

Đồng thời, các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Công văn số 4512/UBND-KT ngày 16-9-2020 triển khai thực hiện Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định đồng nghĩa với duy trì đời sống của công nhân lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tích cực kêu gọi thêm các nguồn lực để hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, kịp thời nắm bắt những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, người lao động để sớm đưa ra giải pháp, kịp thời kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước...

Với các doanh nghiệp, khó khăn cũng là dịp để cơ cấu lại định hướng sản xuất, kinh doanh. Trong đó tập trung vào những mặt hàng nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cao, cũng như cơ cấu lại các kênh phân phối, dành thêm sự đầu tư cho khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm bố trí theo hướng giảm thời gian làm việc nhưng không giảm số nhân công, cố gắng bảo đảm thu nhập cho người lao động duy trì ổn định cuộc sống, sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Để doanh nghiệp vượt khó, ngoài sự đồng hành của Nhà nước thì rất cần sự sẻ chia của công nhân lao động thông qua nhất trí giãn việc, giảm thu nhập trong ngắn hạn. Ngoài ra, người tiêu dùng trong nước cũng cần đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn gian khó hiện nay.

Nhà nước - doanh nghiệp, các cấp công đoàn và người dân cùng đồng hành chia sẻ khó khăn, tập trung phát huy nội lực sẽ là “chìa khóa” để nền kinh tế Thủ đô trụ vững qua dịch bệnh, chuẩn bị sẵn các điều kiện để phát triển mạnh mẽ trở lại.

Thế Đan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/979382/cung-dong-hanh-chia-se