Cùng đồng phạm gây thiệt hại 460 tỉ đồng, cựu chủ tịch VEC bị đề nghị 36 tháng tù cho hưởng án treo

Cùng đồng phạm gây thiệt hại 460 tỉ đồng tại giai đoạn 2 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Mai Tuấn Anh, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VEC bị đề nghị 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo

Sau 4 ngày xét xử, chiều nay 19-10, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với 22 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng, gây thiệt hại 460 tỉ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo đó, đại diện VKSND đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Mai Tuấn Anh, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VEC, mức hình phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trần Văn Tám, cựu tổng giám đốc VEC, bị đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tổng mức án bị đề nghị là 5 năm 6 tháng đến 7 năm tù.

Trước đó, Nguyễn Mạnh Hùng nhận 7 năm tù, Lê Quang Hào bị phạt 6 năm tù tại phiên tòa xét xử vi phạm ở giai đoạn 1 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 65 km).

Đối với tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Phó tổng giám đốc VEC, mức hình phạt 3-4 năm tù; Lê Quang Hào, cựu Phó tổng giám đốc VEC, bị đề nghị mức hình phạt 2-3 năm tù; Nguyễn Tiến Thành, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án, bị đề nghị từ 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù giam; Đỗ Ngọc Ân, cựu Phó giám đốc Ban quản lý dự án, bị đề nghị mức hình phạt từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm 6 tháng tù giam. Các bị can khác bị đề nhị từ 24 tháng tù treo đến 7 năm 6 tháng tù giam.

Theo VKSND, ở giai đoạn 2 của cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi dài 74 km, 22 bị cáo cùng nhiều người khác không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế trộn, thi công… Lúc nghiệm thu, họ không đo đạc đầy đủ và có những hạng mục được nghiệm thu dù vắng mặt đại diện Ban quản lý dự án. Sau đó, công trình vẫn được thanh toán, đưa vào sử dụng nhưng hư hỏng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỉ đồng.

Đối với nhóm bị cáo thuộc chủ đầu tư, VKSND cho rằng bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở; Lê Quang Hào trực tiếp phụ trách vụ án; Trần Văn Tám, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở, được giao phụ trách dự án trực tiếp nên phải đảm bảo an toàn, tiến độ, vệ sinh, trình phê duyệt nội dung liên quan đến dự toán… Tuy vậy, 3 bị cáo để Ban quản lý dự án đã làm sai quy định của Chính phủ về chất lượng công trình; nghiệm thu không đúng để để đưa vào sử dụng. Khi Hội đồng nghiệm thu cơ sở chưa họp, bị cáo Tám còn thay mặt chủ đầu tư báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, thể hiện các gói thầu ở giai đoạn 2 đảm bảo chất lượng.

VKSND đánh giá Hội đồng nghiệm thu cơ sở đã thiếu trách nhiệm, làm sai quy định nên không phát hiện vi phạm về khả năng chịu lực, chất lượng vật liệu, áo đường… Các bị cáo khác có sai phạm về cấp phép cho vật liệu thi công khi được cảnh báo chất lượng các mỏ đá ở Đà Nẵng - Quảng Nam chất lượng kém nhưng không loại bỏ, vẫn cho dùng.

Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại lớn, bức xúc trong nhân dân; một số người thực hiện phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên cần cách ly ra khỏi xã hội một thời gian. VKSND cũng thấy cần cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ và cho một số bị cáo cải tạo ngoài xã hội.

Về dân sự, đại diện VKSND đề nghị tòa buộc các bị cáo liên đới bồi thường tại các gói thầu trên tuyến đường 74 km nhưng họ có quyền yêu cầu các cá nhân, pháp nhân khác bồi thường lại cho mình; tranh chấp nếu có sẽ được giải quyết trong vụ án dân sự. Ngoài ra, VEC được quyền yêu cầu các ngân hàng có thư bảo lãnh liên quan dự án thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/cung-dong-pham-gay-thiet-hai-460-ti-dong-cuu-chu-tich-vec-bi-de-nghi-36-thang-tu-cho-huong-an-treo-20231019191537347.htm