Cùng hành động giảm thiểu rác thải nhựa

Các hội, đoàn thể và người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) tổ chức thu gom rác thải, xử lý môi trường tại khu vực ven bờ Hòn Yến. Ảnh: ANH NGỌC

Vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, rác thải từ nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh là một trong những vấn đề nóng hiện nay. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương tiếp tục có phương án kiểm soát môi trường, đặc biệt chú ý công tác dự báo và kiểm soát, phòng ngừa sự cố, không để phát sinh các điểm nóng về môi trường.

Tác hại của rác thải nhựa

Theo Bộ TN-MT, mỗi năm trên thế giới có hàng chục triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ sinh thái biển, rạn san hô và động thực vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng trái đất mỗi năm và nó có thể tồn tại hàng nghìn năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn. Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước.

Bà Phạm Thị Gấm, Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT), cho biết: Ở Việt Nam, hiện chất thải rắn phát sinh trên cả nước khoảng 64.660 tấn/ngày, trong đó tỉ lệ chất thải nhựa chiếm khoảng 14%. Riêng hoạt động nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm khoảng 2.875 tấn, trong đó thất thoát ra biển khoảng 138 tấn, đây là mối nguy lớn đe dọa môi trường biển và hệ sinh thái biển.

“Ô nhiễm nhựa chính là một mối lo ngại mang tính toàn cầu, đang gây ra các vấn đề về môi trường, kinh tế và sức khỏe. Mỗi năm, hơn 8 triệu tấn rác thải đổ ra biển. Nếu chúng ta tiếp tục gây ô nhiễm với tốc độ như hiện nay, thì tới năm 2050, lượng rác thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn lượng cá. “Rác thải nhựa trên biển đang đe dọa nghiêm trọng đến sinh vật biển và ảnh hưởng đến chính con người chúng ta. Hơn bao giờ hết, con người cần nhìn nhận rõ hơn những tác hại này và có biện pháp xử lý kịp thời ngay bây giờ”, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh.

Khẩn trương hành động

Theo Sở TN-MT, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2021 trung bình khoảng 672 tấn/ngày, lượng rác thải sinh hoạt thu gom được khoảng 485 tấn/ngày (đạt khoảng 76%). Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, đốt tại các bãi rác tập trung. Hiện toàn tỉnh có 11 bãi chôn lấp rác thải tập trung, trong đó bãi rác TP Tuy Hòa xử lý rác thải cho cả hai huyện Phú Hòa và Tây Hòa. Hiện có 2 bãi chôn lấp hợp vệ sinh đang hoạt động là bãi rác Thọ Vức TP Tuy Hòa và bãi rác TX Sông Cầu; các bãi rác còn lại tại các địa phương chủ yếu là bãi tạm, rác được xử lý bằng phương pháp đốt thủ công.

Không thể phủ nhận rằng, vật dụng bằng nhựa có nhiều giá trị sử dụng trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần, chưa hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, xả rác thải nhựa bừa bãi ra môi trường. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Thời gian qua, UBND huyện đã yêu cầu các địa phương trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải, đặc biệt là thu gom, xử lý rác thải ven biển, rác thải từ nuôi trồng thủy sản. Địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý rác thải, xử lý môi trường, nhất là môi trường ven biển trên địa bàn. Địa phương cùng người dân vệ sinh môi trường ven bờ, thu gom các loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa, rác thải nguy hại cả khu vực trên bờ và dưới nước.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, quản lý dự án Chương trình đô thị giảm nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), để quản lý rác thải nhựa hiệu quả, chúng ta cần nỗ lực ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi không cần thiết, cũng như hạn chế và nghiêm cấm việc xả rác trái phép, vì đây là nguồn chính gây rò rỉ nhựa ra môi trường. Phú Yên cần chỉ đạo cương quyết, đồng bộ từ các cơ quan quản lý với trách nhiệm của các doanh nghiệp, sự hưởng ứng của người dân và huy động sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường trong nước và quốc tế. WWF - Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Phú Yên để thực hiện những mục tiêu trong kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2030 như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử về các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, và rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng; phát triển các mô hình thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải nhựa từ các hoạt động trên đất liền, khu vực ven biển, trên biển và các đảo; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa…

Để giảm lượng rác thải nhựa thải ra môi trường, người dân cần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa. Mỗi người dân có ý thức chấp hành tốt, nhiều người có ý thức sẽ cùng nhau tạo nên một môi trường xanh - sạch - đẹp.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thái Hòa

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/280618/cung-hanh-dong-giam-thieu-rac-thai-nhua.html