Cùng hành động phòng, chống mua bán người
Ngay sau khi được quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người (PCMBN) cũng như hưởng ứng ngày Toàn dân PCMBN, anh Lường Văn Liêu đã đi khắp các xóm: Diều Luông, Diều Nọi, xã Tân Minh (Đà Bắc) để tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về công tác PCMBN...
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lường Văn Liêu chia sẻ: Do điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn nên thời gian qua, nhiều người, nhất là các con, cháu sau khi học xong đã theo chúng bạn đi làm ăn xa. Người đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, người không có địa chỉ chỗ làm rõ ràng... Điều đó làm chúng tôi lo lắng khi con trẻ chẳng may sa vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người (TPMBN). Việc chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân, nhất là thanh niên trong xóm, xã ở độ tuổi lao động về tình hình tội phạm giúp mọi người cảnh giác trước những cạm bẫy của bọn TPMBN...
Không chỉ anh Lường Văn Liêu mà thời gian qua, nhiều người, nhiều cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chung tay hành động, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống TPMBN tới từng khu dân cư, từng người dân với nhiều hình thức. Đồng chí Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị (Yên Thủy) chia sẻ: Cùng với việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng khu dân cư, từng "tổ liên gia tự quản” về thủ đoạn, hoạt động của tội phạm nói chung và những cạm bẫy của TPMBN nói riêng. Từ đó tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nhận thức đúng, không nghe kẻ xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép, tránh sập bẫy trở thành nạn nhân của TPMBN.
Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 8/2022 các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCMBN. Phát huy hiệu quả vai trò của trên 1.100 người có uy tín trong cộng đồng trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và TPMBN nói riêng. Cùng với đó, thông qua các buổi sinh hoạt hội, các cấp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến cho hàng chục nghìn lượt hội viên về phòng, chống TPMBN; các cơ quan truyền thông của tỉnh như Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh đăng tải hàng trăm tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của TPMBN, đưa ra cảnh báo đối với những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, cách nhận biết, biện pháp phòng ngừa TPMBN.
Chung tay hành động phòng, chống TPMBN, các đơn vị chức năng Công an tỉnh và lực lượng Công an các huyện, thành phố đã tập trung rà soát, nắm tình hình đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT dễ bị TPMBN lợi dụng để hoạt động. Theo Thượng tá Lỗ Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 1.115 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT dễ bị TPMBN lợi dụng để hoạt động phạm tội, trong đó, có 10 cơ sở massage, 350 quán karaoke, 150 quán cà phê giải khát, 420 nhà nghỉ, 140 điểm du lịch loại hình homestay.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù trên địa bàn tỉnh không xảy ra TPMBN. Tuy nhiên, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tiếp nhận, xác minh 4 tin báo, tố giác tội phạm có liên quan đến hành vi dụ dỗ, lừa phỉnh "việc nhẹ, lương cao” để đưa 6 công dân là người của tỉnh sang Campuchia làm việc. Theo nắm bắt của lực lượng chức năng, trong quá trình làm việc, lao động tại Campuchia, những người này thường xuyên bị đánh đập, cưỡng bức lao động. Ngay sau khi có căn cứ xác minh tin báo, ngày 20/7, cơ quan chức năng có thẩm quyền của UBND tỉnh đã có công văn gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia và các cơ quan liên quan hỗ trợ, xác minh, giải cứu, bảo hộ 6 công dân là người của tỉnh bị dụ dỗ, lừa sang Campuchia làm việc bị cưỡng bức lao động được về nước...
Có thể nói, từ việc chung tay, chung sức, huy động sự vào cuộc tích cực với phương châm "cùng hành động” của các cấp, ngành, địa phương đã góp phần nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm nói chung, TPMBN nói riêng. Nhờ đó ngăn chặn hiệu quả, không để TPMBN xảy ra trên địa bàn tỉnh.