Cùng khám phá miền Quan họ qua dự án 'Yêu lắm Việt Nam'

Dự án 'Yêu lắm Việt Nam' do Báo Nhân Dân phối hợp các đối tác công nghệ triển khai lắp đặt bảng gắn chip NFC (Near-Field Communications - công nghệ kết nối không dây) tại 3 địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh đã chính thức đi vào hoạt động.

Du khách trải nghiệm tương tác với dự án "Yêu lắm Việt Nam" tại Văn Miếu Bắc Ninh.

Du khách trải nghiệm tương tác với dự án "Yêu lắm Việt Nam" tại Văn Miếu Bắc Ninh.

Đặc biệt, trải nghiệm “check-in”, đăng tải hình ảnh cùng lời nhắn để ghép lại thành bản đồ Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại các trạm tương tác của dự án đang được người dân và du khách tham quan nhiệt tình hưởng ứng.

Trên quê hương của làn điệu dân ca quan họ, dự án “Yêu lắm Việt Nam” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chọn lắp đặt tại 3 địa điểm: Văn Miếu Bắc Ninh (khu 10 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh), di tích quốc gia đặc biệt: Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Lý (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn) và di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du).

Văn Miếu Bắc Ninh - biểu tượng truyền thống hiếu học, khoa bảng

Nằm trên núi Phúc Sơn, Văn Miếu Bắc Ninh là một trong 6 văn miếu ở Việt Nam, đây là nơi thờ phụng và tế lễ “Đức Khổng Tử” - người được tôn vinh là “Thánh sư” và Tứ phối - các chư hiền của đạo Nho.

Giá trị nổi bật được gìn giữ trong Văn Miếu Bắc Ninh chính là 15 tấm bia đá tiến sĩ. Trong đó có 12 bia “Kim bảng lưu phương” (Danh thơm lưu mãi bảng vàng) được dựng năm 1889, lưu danh 677 vị Tiến sĩ, từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi năm 1919, những người có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chiếm gần 1/4 tổng số vị đại khoa của cả nước.

Với những giá trị về truyền thống khoa bảng được lưu giữ, Văn Miếu Bắc Ninh được công nhận và cấp bằng xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1988. Năm 2019, hệ thống bia tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Các bạn trẻ trải nghiệm tương tác cùng "Yêu lắm Việt Nam" tại Văn Miếu Bắc Ninh.

Các bạn trẻ trải nghiệm tương tác cùng "Yêu lắm Việt Nam" tại Văn Miếu Bắc Ninh.

Chị Nguyễn Thu Hằng, ở thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Ghé thăm Văn Miếu Bắc Ninh, tôi rất bất ngờ khi thấy trạm tương tác của dự án với logo Báo Nhân Dân nổi bật. Chỉ với một cú "chạm" trên điện thoại, tôi đã được cung cấp thông tin nơi mình đang tham quan, tôi cảm thấy vui và có ý nghĩa khi có thể góp một bức ảnh từ quê hương Bắc Ninh tham gia ghép bản đồ Việt Nam cùng với "Yêu lắm Việt Nam" đúng dịp kỷ niệm 30/4 năm nay".

Đến với Văn Miếu Bắc Ninh, du khách sẽ được khám phá kiến trúc tinh xảo, đẹp mắt của đền thờ, các bia đá. Ngày nay, đây còn là nơi giáo dục truyền thống khoa bảng cho thế hệ trẻ. Nhiều thế hệ học sinh và các bậc phụ huynh đã chọn Văn Miếu Bắc Ninh là điểm đến trước và sau mỗi kỳ thi với mong muốn tiếp nối mạch nguồn văn hóa của cha ông, viết tiếp truyền thống vẻ vang, đặc biệt là truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Khu lăng mộ và Đền thờ các vị Vua triều Lý

Cùng với "Yêu lắm Việt Nam", du khách có thể ghé thăm Khu lăng mộ và Đền thờ các vị Vua triều Lý, địa điểm tham quan nổi tiếng ở Bắc Ninh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2014. Đền thờ các vị vua triều Lý (còn gọi là Đền Đô, Đền Lý Bát Đế, Cổ Pháp Điện) được xây dựng vào thế kỷ XI, ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn.

Theo sử sách, Đền Đô được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Quần thể di tích là nơi hội tụ sự tinh hoa, in đậm kiến trúc độc đáo thời nhà Lý và là một trong 5 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Điểm đặc sắc là toàn bộ công trình kiến trúc đều quay theo hướng tây nam nhìn về lăng mộ các vị vua triều Lý ở phía trước đền mà từ lâu đã trở thành khu “lăng sơn cấm địa”.

"Yêu lắm Việt Nam" được đặt tại Đền Đô.

"Yêu lắm Việt Nam" được đặt tại Đền Đô.

Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý gồm: Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ), Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Vị vua cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng được người dân thờ ở đền Rồng, cũng nằm ở phường Đình Bảng.

Tại đền Đô - ngôi đền của các bậc đế vương thời Lý có diện tích hơn 31.000m2 với 21 hạng mục công trình, chia thành hai khu vực ngoại thành và nội thành. Đáng chú ý, bên trái cổng chính nội thành có bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ gồm 214 chữ nổi màu xanh trên nền trắng, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý, được hoàn thành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đây được coi là bức cuốn thư bằng gốm Bát Tràng lớn nhất Việt Nam. Ngay tại khu vực này, du khách có thể trải nghiệm với trạm tương tác của dự án "Yêu lắm Việt Nam".

Trải nghiệm cùng "Yêu lắm Việt Nam", nhiều bạn trẻ mong muốn được góp thêm một hình ảnh của quê hương Bắc Ninh trong bản đồ quốc gia đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.

Trải nghiệm cùng "Yêu lắm Việt Nam", nhiều bạn trẻ mong muốn được góp thêm một hình ảnh của quê hương Bắc Ninh trong bản đồ quốc gia đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.

Hằng năm, lễ hội đền Đô được tổ chức từ ngày 14 đến 16/3 âm lịch và là một trong những lễ hội lớn nhất ở Bắc Ninh. Tương truyền, đây là lễ hội kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (15/3 năm Canh Tuất - 1010). Nếu có dịp đến đền Đô vào mùa lễ hội, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian linh thiêng, uy nghiêm của ngôi đền mà còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa địa phương và nếm thử những món ăn đặc sản của vùng đất Kinh Bắc.

Thăm chùa Phật Tích - ngôi cổ tự nghìn năm tuổi

Nằm cách Hà Nội khoảng 20km, Chùa Phật Tích có tên chữ là "Vạn Phúc tự", tọa lạc tại sườn phía Nam núi Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du) được biết đến là một ngôi cổ tự nghìn năm tuổi. Đây từng được coi là trung tâm Phật giáo lớn của nước ta.

Được ví như một đại danh lam thắng cảnh thời Lý, đến với chùa Phật Tích, du khách sẽ có dịp chiêm bái các bảo vật quốc gia chế tác độc bản đang bảo tồn và lưu giữ tại đây. Chính điện của chùa là nơi tôn trí pho tượng Phật A di đà có niên đại từ thế kỷ XI đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Điểm đặc biệt, tượng được tạc bằng đá xanh nguyên khối có kích thước tương đối lớn, cao 1,85m, nếu tính cả bệ là 2,7m.

"Yêu lắm Việt Nam" tại điểm chùa Phật Tích.

"Yêu lắm Việt Nam" tại điểm chùa Phật Tích.

Thân tượng biểu đạt một vị Phật đang ngồi tọa thiền, mắt khép hờ trong thiền định, khí sắc thanh tịnh tươi nhuần. Hai chân xếp bằng theo lối kiết già vững chãi. Theo các chuyên gia, pho tượng Phật A di đà tại chùa Phật Tích là tượng bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay. Chiêm bái pho tượng chính là để cảm nhận và thực tập triết lý sống thanh tịnh, từ bi, hỉ xả muôn đời bất diệt...

Ngay lối lên chùa tại men theo những bậc đá cổ kính rợp bóng cây, du khách sẽ gặp một bảo vật quốc gia khác là bộ tượng 10 linh thú trước cửa tiền đường, được chia làm hai hàng có niên đại hàng nghìn năm. Những dấu vết xưa còn hiện hữu như nền móng tháp cổ do vua Lý Thánh Tông xây dựng năm 1057; gần 40 ngôi tháp thờ các vị tổ sư.

Tượng Phật A di đà tại chùa Phật Tích đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng Phật A di đà tại chùa Phật Tích đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Tòa bảo tháp chùa Phật Tích hiện nay là công trình mới xây dựng gợi nhớ về ngôi tháp cổ của chùa thời kỳ hoàng kim và đây cũng là điểm đặt trạm tương tác của dự án "Yêu lắm Việt Nam".

Bắc Ninh có 1.589 di tích, bao gồm 677 di tích lịch sử, văn hóa được Nhà nước xếp hạng, trong đó, có 5 di tích quốc gia đặc biệt; 206 di tích quốc gia.

Tại các trạm tương tác thông minh hoàn toàn miễn phí của dự án “Yêu lắm Việt Nam” đặt tại Bắc Ninh cũng như các địa phương khác trên toàn quốc, khi sử dụng điện thoại thông minh có công nghệ kết nối không dây tầm ngắn, du khách sẽ được cung cấp câu chuyện, hình ảnh (video hoặc mô hình 3D, nếu có) về địa điểm và tỉnh, thành phố, nơi trạm tương tác được đặt. Đồng thời cung cấp tính năng tra cứu, dẫn đường, tìm hiểu thông tin để khám phá các địa điểm du lịch tại nơi đang đứng và các khu vực lân cận.

Dự án “Yêu lắm Việt Nam” được Báo Nhân Dân triển khai đến các tỉnh, thành phố trong cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa trên mọi miền Tổ quốc; tạo trải nghiệm khám phá độc đáo cho du khách; hỗ trợ, thúc đẩy du lịch giữa các địa phương, đáp ứng và phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời đại số hiện nay.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cung-kham-pha-mien-quan-ho-qua-du-an-yeu-lam-viet-nam-post868459.html