Cũng là 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'
BP - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” có nêu: “Đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc...”. ...Như vậy, những hạn chế của đầu tư công đã được chỉ rõ trong nghị quyết của Đảng.
Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Vốn đầu tư công chủ yếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, không mang lại lợi nhuận trực tiếp mà gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng. Do vậy, đầu tư công được ví như điểm tựa, đòn bẩy để thúc đẩy các ngành và vùng trọng điểm phát triển; là nền tảng cho việc thực hiện các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của nước ta trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của đầu tư công, trong đó có nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng bộc lộ nhiều yếu kém của đầu tư công, mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Từ các vụ đại án mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo cho thấy tình trạng đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, “sân trước”, “sân sau”, gây thất thoát, lãng phí lớn. Khi báo cáo Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, qua kiểm tra, trong năm đã phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện. Không lạ khi có tình trạng việc chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức nhằm ghi vốn, khi dự án đã được quyết định đầu tư và bố trí vốn thì mới tiến hành chuẩn bị các bước đầu tư. Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao (do không tính toán, lường trước), gây khó khăn trong cân đối vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng gặp khó khăn.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2019 của Bình Phước chỉ đạt 39,6% kế hoạch giao. Và như mọi năm, giải ngân tăng chủ yếu vào những tháng cuối. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh cũng phần nhiều do yếu tố chủ quan: chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng một số dự án vướng, chưa giải quyết dứt điểm; công tác thiết kế, thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; các dự án sử dụng nguồn thu sử dụng đất chưa có vốn; thanh, quyết toán chậm; vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư chưa cao...
Quyết định và tổ chức thực hiện đầu tư công yếu kém trở thành mối họa của quốc gia. Đặc biệt, những tiêu cực như tham nhũng, hối lộ, “rút ruột” công trình, “lợi ích nhóm” không chỉ làm thâm hụt ngân sách, tăng nợ công quốc gia, mà còn làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đó chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cần được xử lý với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, không có vùng cấm.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/cung-la-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-344210