'Cùng nhau làm kinh tế cũng thấy cuộc sống hạnh phúc hơn rất nhiều'
Mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế du lịch homestay, vợ chồng chị Giàng Y Sáo và anh Sùng A Thơ đã mang về cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. Đây là hướng đi mới của đồng bào dân tộc H'Mông tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Du khách có những trải nghiệm thú vị tại Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình
Theo đại diện lãnh đạo xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay, bà con người dân tộc H'Mông ở Pà Cò đã có một số hộ gia đình đổi mới cách làm kinh tế như chuyển hướng trồng rau sạch, làm du lịch... Điều đó đã giúp bộ mặt địa phương thay đổi rõ rệt, điển hình là 10 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng.
Homestay của vợ chồng chị Giàng Y Sáo bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2020, đến tháng 6/2021 hoàn thành và tháng 9/2021 bắt đầu đón khách. Trên mảnh đất có diện tích hơn 300m2, homestay được vợ chồng chị Sáo dựng lên bằng chất liệu tự nhiên như gạch cúc, đá và gỗ.
Chị Sáo cho biết, trước đây hai vợ chồng đều làm nông nghiệp nên đôi khi không đủ ăn, đời sống khó khăn, thu nhập thấp, không biết bao giờ mới thoát nghèo. Nhớ lại năm 2019 chị được bạn giới thiệu đi làm ở một công ty du lịch. Công việc tuy có mức lương cao nhưng xa nhà, chị Sáo xin nghỉ việc và chuyển về làm sang nghề dệt vải của dân tộc H'Mông và vẽ sáp ong.
"Hồi ấy chồng mình lo vợ đi làm xa nhà vất vả, lại thấy ở xã Pà Cò một số người đã làm du lịch nên khuyên mình về nhà làm homestay trên mảnh đất của gia đình. Khi về, hai vợ chồng làm một khu cộng đồng nhỏ rồi đón khách, vừa làm, vừa học hỏi. Gần nhau rồi, cùng làm kinh tế thấy cuộc sống hạnh phúc hơn rất nhiều", chị Sáo chia sẻ.
Khi homestay Anh Tiến (Bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) mới mở chưa đủ điều kiện thuê người phụ nên vợ chồng chị Sáo đành tự mình làm hết mọi việc. Anh Thơ - chồng chị vừa tiếp khách vừa làm đầu bếp, lại vừa là người chia sẻ thông tin, giao lưu với khách. Còn chị Sáo lo quản lý, phụ giúp chồng và dẫn khách du lịch đi tham quan, chỉ khi đông khách quá mới thuê người phụ giúp.
Ngoài việc chăm sóc và mở rộng dịch vụ, vợ chồng chị Sao còn lo giấy tờ liên quan đến kinh doanh và xin các giấy phép đón khách du lịch trong và ngoài nước. Bấy nhiêu việc bộn bề, nhưng cuối cùng vợ chồng chị cũng vượt qua, bắt đầu có thu nhập và kinh tế dần khá hơn.
"Hiện tại trung bình mỗi tháng homestay đón khoảng 50 khách. Khách đến quanh năm, đặc biệt là ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ trong năm. Khách đến sẽ có nhiều trải nghiệm quanh khu vực Pà Cò. Như đi thăm quan vườn mận cổ, các đồi chè, hoa đào, săn mây, chợ phiên, chợ đêm, giao lưu văn hóa H'Mông", anh Thơ cho biết.
Vợ chồng chị Sáo, anh Thơ còn mở dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc H'Mông để phục vụ du khách chụp ảnh, đưa du khách đến các điểm hoang sơ. Ngoài ra, anh, chị còn kết nối cho du khách giao lưu văn nghệ, chơi trò chơi dân gian như đánh quay, đánh lông gà, nén pao, múa khèn, dạy khách nhảy khèn theo truyền thống,…
Để phục vụ khách ẩm thực theo phong cách bản địa, vợ chồng chị Sáo đã học cách nấu các món ăn truyền thống, món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây. "Rau, củ, quả theo mùa, gà bản, lợn bản được nấu nướng theo cách truyền thống của đồng bào H'Mông được du khách yêu thích. Vợ chồng mình rất vui vì đã làm hài lòng những du khách khó tính nhất", chị Sáo chia sẻ.
Từ kinh nghiệm làm giàu bằng du lịch đã có, chị Sáo cho rằng, để duy trì và phát triển mô hình kinh tế du lịch homestay hộ gia đình, cần có sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, huyện và xã. Cùng với đó, mô hình dịch vụ cần cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, có tính liên vùng xã và hội hóa cao.
"Chính quyền cần định hướng cho người dân làm kinh tế du lịch, như làm sản phẩm gì? Làm như thế nào cho phù hợp với lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu của khách. Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành tiêu thụ các sản phẩm người dân địa phương làm ra. Làm được điều này có nghĩa là giúp được người dân tăng thêm thu nhập", anh Thơ nói thêm.
Với phong thái đậm chất H'Mông và lối phục vụ chu đáo, chân tình, homestay của vợ chồng chị Sáo, anh Thơ đang thu hút, mời gọi du khách muôn phương dừng chân ở lại, tạo nên thu nhập ổn định cho gia đình và tạo đầu ra cho sản phẩm cho bà con trong khu vực. Nhờ có thu nhập từ du lịch, gia đình chị Sáo đã xóa bỏ cái nghèo, từng bước phát triển lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.