Cùng nhìn lại quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa
Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan.
Báo cáo với Ban Tuyên giáo Trung ương về quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Thông tư số 33) với các nội dung cơ bản như sau:
Quy trình biên soạn sách giáo khoa: Việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa được tổ chức thực hiện như những xuất bản phẩm khác theo Luật Xuất bản.
Ngoài những quy định theo Luật Xuất bản, biên soạn sách giáo khoa phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 33 cụ thể như sau: Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký và nộp bản thảo đề sách giáo khoa đến nhà xuất bản.
Đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa là nhà xuất bản được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản sách giáo khoa phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản.
Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa theo quy định.
Nhà xuất bản có sách giáo khoa được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.
Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa: Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 7 (bảy) người.
Mỗi thành viên Hội đồng là những người “có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định sách giáo khoa; có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được thẩm định” và tham gia vào các hoạt động liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Thầy trò đánh vật với Tiếng Việt 1 Cánh Diều, trách nhiệm hội đồng thẩm định đâu
Tiêu chuẩn sách giáo khoa đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới: Nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Các bài học trong sách giáo khoa tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.
Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.
Cấu trúc sách giáo khoa có đủ các thành phần cơ bản sau: phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. Cấu trúc bài học trong sách giáo khoa bao gồm các thành phần cơ bản sau: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng...
Dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội thảo chuyên sâu gồm các chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm về chương trình giáo dục phổ thông, trong lĩnh vực biên soạn và thẩm định sách giáo khoa; các nhà quản lí giáo dục, các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, các chuyên gia quốc tế để phân tích và xây dựng hệ thống các minh chứng cần đạt trong sách giáo khoa khi tiến hành thẩm định.
Qui trình làm việc của Hội đồng gồm: Mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo sách giáo khoa từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập (15 ngày); Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (05 ngày cho mỗi bản thảo gồm các nội dung: nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo sách giáo khoa, thảo luận tập trung công khai về bản thảo sách giáo khoa, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng để thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại Hội đồng nếu có).
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo hai vòng (vòng 1, vòng 2), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo sách giáo khoa và kết luận ở ba mức: Đạt, Đạt nhưng cần sửa chữa, Không đạt.
Phê duyệt và công bố kết quả thẩm định: Khi tiếp nhận kết quả thẩm định của các Hội đồng, Bộ trưởng đã chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên môn tham mưu thành lập tổ giúp việc gồm các chuyên gia am hiểu về chuyên môn, các nhà quản lí và các giáo viên, tổ chức rà soát lại quy trình việc của Hội đồng, báo cáo, tham vấn các cơ quan chuyên môn như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tư pháp về các nội dung liên quan đến tính pháp lí của sách giáo khoa sử dụng trong các trường phổ thông trước khi ban hành quyết định phê duyệt chính thức.