Cúng ông Công, ông Táo: Tín ngưỡng nhân văn của người Việt

Đối với mỗi người dân Việt Nam, cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là một ngày lễ quan trọng, thể hiện tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Trước ngày lễ quan trọng này các gia đình gác lại mọi việc, dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ lễ đủ bài vị để cúng ông Công, ông Táo 'chầu trời' vào đúng giờ đẹp, mong mọi việc hanh thông đến với gia chủ trong năm mới.

Theo quan niệm của người Việt, ông Công, ông Táo là hai vị thần trông coi “thổ công và bếp lửa” của mỗi gia đình. Cho nên, các Táo biết hết tất cả mọi chuyện tốt, xấu của gia chủ. Để ông Công, ông Táo phù hộ cho gia đình năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo về chầu Ngọc Hoàng. Các Táo sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về một năm “làm ăn” của gia chủ dưới hạ giới và xin ngài phù hộ cho năm mới nhiều thắng lợi hơn. Các Táo đi trong 7 ngày, đến trưa ngày 30 tháng Chạp lại trở về trần gian, nhập vào thổ công và bếp lửa của gia chủ để “cai quản” một năm mới. Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo ở các miền có khác nhau một chút. Người miền Bắc thường cúng cá chép sống, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Người dân thành phố Tuyên Quang sắm vàng mã cúng ông Công, ông Táo.

Người dân thành phố Tuyên Quang sắm vàng mã cúng ông Công, ông Táo.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo cũng là cách người Việt thể hiện sự biết ơn với các vị thần trong việc mang lại may mắn, hạnh phúc, sức khỏe cho cả gia đình trong một năm. Bà Nguyễn Thị Hường, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho rằng, ngày các Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình. Cá chép là phương tiện để các ông Táo về trời, nên đó là lý do các gia đình thường mua 3 con cá chép để cúng. Sau khi cúng xong, cá chép sẽ được thả xuống sông, hồ phóng sinh. Theo bà, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần thiết phải quá sang trọng, mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền, nhưng cần đủ vị như đồ mặn, bánh kẹo, hoa quả, vàng hương, trầu cau, mũ áo, giầy, đúng thủ tục.

Ngày 23 tháng Chạp cũng là dịp tốt để các gia chủ chỉnh trang, lau dọn bàn thờ. Bà Trần Thị Lan, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, năm nay gia đình thay lại bàn thờ mới cho các cụ. Nhà bà thờ ba bát hương, bát hương to nhất thờ các vị thần, hai bát hương bên tả bên hữu thờ các cụ tổ tiên bên nội, bên ngoại. Năm nào cũng vậy, cúng ông Công, ông Táo gia đình bà làm khá trang trọng, nghi lễ đầy đủ. Khi hóa vàng bà sẽ đốt luôn những chân hương của năm cũ, chỉ để lại một ít. Riêng cá chép bà Lan mua hôm 23, còn những thứ khác có thể sắm từ trước. Sau khi cúng các Táo quân xong, không khí Tết nguyên đán sẽ ùa về trong mỗi gia đình. Cảm giác quây quần, ấm cúng, hạnh phúc trong mỗi thành viên được lan tỏa.

Thời điểm này tại chợ Tam Cờ, chợ trung tâm của thành phố, người dân đi chợ sắm đồ cúng các Táo đông như trảy hội. Anh Lê Văn Dũng, một người bán cá chép khẳng định, giá cả năm nay khá ổn định, 3 con cá chép đỏ giá khoảng 30 nghìn đồng, bộ mũ táo quân 20-30 nghìn đồng. Cũng giống như mọi năm, năm nay Trung tâm Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh hướng dẫn người dân phóng sinh cá chép đúng cách, bỏ túi ni lông vào thùng rác, ngăn chặn những hành vi kích cá gây phản cảm, để ngày lễ thêm nhiều ý nghĩa nhân văn.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/cung-ong-cong-ong-tao-tin-nguong-nhan-van-cua-nguoi-viet-127780.html