Cùng 'sưởi ấm' hạnh phúc gia đình
Có một nhà tâm lý học từng nhận định rằng, 'Xây dựng gia đình hạnh phúc là một công trình mà chúng ta phải kiến tạo suốt cuộc đời'. Công trình đó lâu dài và trải qua nhiều khó khăn, đòi hỏi mỗi thành viên là những 'người thợ' đầy trách nhiệm luôn cần mẫn, biết chia sẻ, quan tâm, chăm sóc yêu thương nhau.
Từ sự sẻ chia
Người xưa có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ý nói rằng người chồng là trụ cột trong gia đình, có trách nhiệm lo những việc lớn như kiếm tiền, làm nhà… còn người vợ có vai trò chăm lo việc cơm nước, chăm sóc con cái và là người có trách nhiệm “giữ lửa” trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Tiến sỹ Hà Thị Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Tâm lý học, trường Đại học Tân Trào chia sẻ, có lẽ quan điểm này dường như đã cũ, trong cuộc sống ngày nay, vai trò của từng thành viên đều như nhau. Bởi nếu chỉ một người lo “giữ lửa”, một người “xây tổ ấm”, nâng niu vun đắp, gìn giữ thì dù cho ngôi nhà ấy có to đẹp và tiện nghi đến mấy cũng khó mà vẹn tròn. Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, cũng như hạnh phúc không thể được xây đắp bởi một người! Vì thế để có một gia đình hạnh phúc, trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của tình yêu, cùng nhau gánh vác sẻ chia.
Gia đình chị Đào Mai Anh và anh Trần Quốc Trường, xóm 6, xã Trung Môn (Yên Sơn) nhiều năm qua chung sống hạnh phúc bên nhau. Chị Mai Anh làm giáo viên cách nhà 30 km còn công việc của chồng làm giờ hành chính, ngay gần nhà nên anh thuận đường đưa đón con hơn. Hàng ngày, anh Trường vẫn đón các con và làm việc nhà, nhưng thứ năm, thứ sáu hàng tuần, chị Mai Anh nhận nhiệm vụ này để mẹ con có thêm thời gian tâm sự về chuyện trường, chuyện lớp. Cả hai vợ chồng cùng hài hòa, hỗ trợ nhau công việc nội trợ, chăm sóc con cái nên cuộc sống gia đình luôn thuận hòa, êm ấm.
Gia đình bà Phí Thị Lâm, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang)thường sum vầy vào dịp cuối tuần.
Trước kia, quan niệm người phụ nữ vẫn gắn liền với căn bếp, vun vén gia đình còn việc làm kinh tế thuộc về đàn ông. Song với sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, một mình người đàn ông “xây nhà” sẽ rất chật vật. Bên cạnh người chồng biết sẻ chia công việc gia đình, chăm sóc con cái thì người vợ cũng phải cùng chồng gánh vác kinh tế.
Anh Trần Hưng Hải, tổ 1, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) bày tỏ, ở thời đại này, một mình người đàn ông đi làm thì gánh nặng về kinh tế trong gia đình là rất lớn. Sống ở thành phố chi tiêu nhiều để một mình anh đi làm lo chu toàn cho gia đình với 2 con ăn học thì cũng rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. Từ khi vợ anh học nghề, mở quán giải khát, có thu nhập thì kinh tế gia đình phần nào bớt áp lực hơn.
Đến hành động yêu thương
Có câu nói: “Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa”, đó là nơi mà khi mệt mỏi, khó khăn chúng ta đều muốn trở về. Trong tổ ấm, ông bà được tôn trọng, trẻ nhỏ được chăm sóc và tình nghĩa vợ chồng được vun đắp. Tất cả được xuất phát từ tình yêu thương và sự quan tâm chân thành của mỗi thành viên gia đình dành cho nhau.
Xây dựng gia đình đã hơn 15 năm, ngày nào vợ chồng chị Phan Thị Minh Lân, thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) cũng cố gắng duy trì ít nhất một bữa ăn có đầy đủ các thành viên. Với gia đình chị, khoảng thời gian vui nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau một ngày làm việc, học hành. Vì thế, vào những ngày nghỉ, chị luôn dành thời gian chế biến những món ăn truyền thống mà chồng, con thích ăn để tạo sự gắn kết, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình.
Trong nhịp sống hiện đại vội vã, tất bật, thực trạng của các gia đình hiện đại là “sống nhanh” khiến các thành viên có xu hướng cá nhân hóa, gia tăng khoảng cách thế hệ. Sự gắn kết mỗi thành viên trở nên lỏng lẻo, mối quan hệ thương yêu, gần gũi không được củng cố, gây ra nhiều hệ lụy.
Dù đã ra ở riêng ở phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), cứ đều đặn 2 lần trong tuần, vợ chồng anh Bùi Văn Chinh và chị Nguyễn Thị Hậu cùng con gái về thăm hai bên nội ngoại ở xã Kim Phú. Ông bà, con cháu cùng quây quần ăn bữa cơm, chuyện trò thân thiết, tình cảm gia đình luôn gắn kết. Chị Hậu nói, dù công việc có bận rộn đến đâu thì con cháu vẫn phải dành thời gian quan tâm, thăm nom ông bà. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện sự hiếu đạo của con cháu.
Giữa cuộc sống hiện đại, mỗi cá nhân phải làm chủ bản thân để cân bằng cuộc sống, vừa làm tốt công việc vừa vun đắp hạnh phúc gia đình. Anh Nguyễn Thế Tuấn, tổ 3, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) vì tính chất công việc nên thường xuyên xa nhà. Thế nhưng anh luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để quan tâm, chăm sóc vợ con như: Đưa vợ con thăm nhà ngoại, đi mua sắm, tranh thủ làm bài tập với con, đi trải nghiệm khám phá cùng con…
Gia đình là nền tảng của xã hội, có chức năng bảo đảm tính ổn định của xã hội. Trong một gia đình, mỗi thành viên đều phải có trách nhiệm với những người còn lại, dành cho nhau sự sẻ chia, quan tâm, chăm sóc để “ngọn lửa” yêu thương luôn cháy mãi.