Cúng tết Đoan ngọ 2023 giờ nào chuẩn nhất?

Tết Đoan ngọ, dân gian gọi là ngày diệt sâu bọ, diễn ra vào 5/5 Âm lịch, tuy nhiên nhiều gia đình băn khoăn không biết nên cúng Tết Đoan ngọ vào giờ nào là chuẩn?

Tết Đoan ngọ rơi vào ngày mùng 5/5 Âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Năm 2023, Tết Đoan ngọ rơi vào thứ Năm, ngày 22/6 Dương lịch.

Trong đời sống hiện đại, một số tập tục cổ xưa của ngày Tết Đoan ngọ gần như đã biến mất, như nhuộm móng tay đỏ, hái lá thuốc... Tuy nhiên, truyền thống làm mâm cúng Tết Đoan ngọ vẫn luôn được duy trì ở các gia đình. Tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn không biết nên cúng vào giờ nào, sáng sớm hay giữa trưa mới là chuẩn nhất.

Cúng tết Đoan ngọ 2023 giờ nào chuẩn nhất?

Thực tế, giờ cúng Tết Đoan ngọ của các gia đình, vùng miền có thể không giống nhau. Tuy nhiên, xét theo quan niệm truyền thống, cúng vào giữa trưa là chuẩn nhất.

Cúng tết Đoan ngọ 2023 giờ nào chuẩn nhất? (Ảnh: Quản Ngọc Lê)

Cúng tết Đoan ngọ 2023 giờ nào chuẩn nhất? (Ảnh: Quản Ngọc Lê)

Tết Đoan ngọ còn có tên là Tết Đoan dương, trong đó "đoan" là mở đầu, "ngọ" chỉ giờ ngọ - chính trưa, "dương" chỉ khí dương - ngược với âm. Đây là thời điểm mở đầu cho những ngày nóng nhất trong năm, gần hoặc có năm trùng với ngày hạ chí. Theo cách nói của phương Đông thì đây là những ngày dương khí lên cao nhất ở cả trời đất và trong cơ thể người. Và trong ngày này, giờ Ngọ chính là thời điểm dương khí cao tột bậc.

Nói đến Tết Đoan ngọ, chính xác là nói đến thời điểm giữa trưa này. Do đó, việc cúng Tết Đoan ngọ cũng nên được thực hiện trong khoảng từ 11h đến 13h của ngày 5/5 Âm lịch.

Trước đây, nhiều nơi ở Việt Nam có tục hái lá thuốc trong ngày 5/5 và việc này cũng chỉ được thực hiện vào giờ Ngọ, được cho là thời điểm mà dược tính trong cây cỏ lên cao nhất. Dân gian cho rằng vào giờ Ngọ của ngày Đoan dương, trời ban cho con dân người Việt hái bất cứ loại cây lá gì cũng có thể dùng làm thuốc, miễn là được sử dụng đúng bệnh.

Ngày nay, với nhịp sống hiện đại đầy bận rộn, nhiều người không có điều kiện về nhà buổi trưa nên giờ giấc cúng Tết Đoan ngọ cũng dần linh hoạt hơn. Nhiều nhà chỉ cúng vào buổi sáng sớm trước khi đi làm với lễ vật đơn giản gồm hương hoa, trái cây, có thể có cơm rượu nếp, bánh gio. Những nhà có điều kiện dùng bữa trưa với nhau vẫn làm mâm cỗ tươm tất và cúng vào chính ngọ. Một số gia đình cầu kỳ sẽ thắp hương vào sáng sớm để cho mọi người ăn trái cây, rượu nếp giết sâu bọ trước, trưa mới làm mâm cơm cúng gia tiên và các vị thần linh.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì?

Ngày Tết Đoan ngọ thường đến vào sau vụ mùa. Vì thế mà mâm lễ cúng trong ngày này cũng tương đối phong phú với nhiều loại nông sản.

Rượu nếp (cơm rượu) là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ.

Rượu nếp (cơm rượu) là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ.

Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau, nhưng cơ bản mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm có:

Hương, hoa, vàng mã
Nước
Rượu nếp (cơm rượu)
Các loại trái cây như mận, vải, hồng xiêm, chuối, dưa hấu...
Bánh ú tro
Thịt vịt
Xôi chè

Cơm và rượu nếp cùng các loại quả là những lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ. Nếu như miền Bắc có bánh gio trong mâm cúng, thì người miền Nam lại có bánh ú, người miền Trung có thịt vịt.

Tết Đoan ngọ là dịp người ta thường ăn ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan ngọ mọi người thường ăn bánh gio, chè hạt sen, trái cây và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Nhiều người ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.

Mai Linh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cung-tet-doan-ngo-2023-gio-nao-chuan-nhat-ar801095.html