Cùng tham gia BHXH tự nguyện để thảnh thơi tuổi già
Trong một lần tình cờ nghe được buổi tuyên truyền của cán bộ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk, chị Hoàng Thị Thủy (tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Ea Súp) về tìm hiểu kỹ hơn, sau đó quyết định gia nhập lưới an sinh để có tuổi già an nhàn.
Không chỉ tham gia cho chính mình, chị Thủy còn quyết định đóng BHXH tự nguyện cho cả chồng, đến nay đã được hơn 4 năm. Với nghề kinh doanh tạp hóa, theo chị Thủy, việc mỗi tháng đóng tiền bảo hiểm với mức 1 triệu đồng/người là không hề đơn giản, song vì nghĩ tới tuổi già không còn áp lực về tiền bạc, chị và chồng quyết tâm theo đuổi chính sách an sinh của Nhà nước.
Về già có lương hưu
Nói về quyết định của mình, chị Thủy chia sẻ, trước đây, chị làm công nhân cho một doanh nghiệp tư nhân, nhưng không được bên sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc. Bản thân chị lúc đó cũng chưa có ý thức đòi quyền lợi, cũng chưa biết nhiều về các chính sách BHXH.
Sau này, khi được cán bộ BHXH địa phương giải thích, chị Thủy mới biết đến chính sách BHXH tự nguyện và tham gia như một giải pháp bảo đảm cuộc sống cho mình khi về già không còn khả năng lao động. Thấy được lợi ích từ BHXH tự nguyện, chị đã giới thiệu cho người thân, bạn bè tham gia để hưởng lợi về sau.
“Cái lợi lâu dài là khi về già có lương hưu, còn cái lợi trước mắt là được bảo hiểm y tế (BHYT) hỗ trợ mỗi khi phải đi khám chữa bệnh. Vì thấy được ưu điểm của chính sách an sinh nên đi đâu, tôi cũng nói về BHXH tự nguyện, BHYT, mong muốn chính sách này lan tỏa càng rộng càng tốt”, chị Thủy thổ lộ.
Thực tế cho thấy trên địa bàn huyện Ea Súp ngày càng có nhiều lao động tự do biết đến và tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bởi thấy được lợi ích bền vững của chính sách an sinh đầy nhân văn của Nhà nước.
Như trường hợp của chị Bùi Thị Hòa - 46 tuổi, một tiểu thương buôn bán rau củ ở chợ trung tâm thị trấn Ea Súp. Chị Hòa quyết định tham gia BHXH tự nguyện trong đợt ra quân tuyên truyền chính sách BHXH hồi tháng 11/2022 của BHXH tỉnh.
Được cán bộ BHXH tuyên truyền, giải đáp thấu tình đạt lý những thắc mắc, nắm rõ bản chất của chính sách nhân văn này, nên vợ chồng chị Hòa đều yên tâm và quyết định tham gia với mức đóng 517.000 đồng/người/tháng.
Nhẹ nỗi lo khám, chữa bệnh
Chị Hòa cho hay, đã nhiều lần nghe thông tin về BHXH tự nguyện qua đài, báo, nhưng vẫn chưa thực sự quan tâm tìm hiểu, hơn nữa cũng cảm thấy xa vời với suy nghĩ làm gì có chuyện người lao động tự do lại có cơ hội nhận lương hưu khi về già.
Chỉ khi được cán bộ BHXH huyện và nhân viên thu ở xã đến tận nhà tư vấn, kể ra những trường hợp “người thật việc thật”, chị Hòa mới hiểu rõ những quyền lợi được hưởng, quy định về mức tiền đóng hàng tháng, đặc biệt là còn được lựa chọn linh hoạt các phương thức đóng để phù hợp với điều kiện kinh tế, từ đó chị quyết định gia nhập lưới an sinh của Nhà nước.
Bên cạnh những người có điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện, nhiều người dân ở Ea Súp khi chưa “rủng rỉnh” tiền đã chọn đóng BHYT hộ gia đình để có “tấm khiên bảo vệ” khi không may bị đau ốm, phải đến bệnh viện.
Điển hình, được sự tư vấn của đại lý thu BHXH, BHYT, bà Nguyễn Thị Long (trú tổ dân phố Thành Công, thị trấn Ea Súp) đã tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình. Theo bà, việc tham gia BHYT hộ gia đình mang lại lợi ích rất thiết thực, vừa được giảm phí mua BHYT theo số người tham gia trong cùng một hộ, vừa được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau.
“Hồi tháng 3/2022, con trai tôi bị tai nạn giao thông gãy cả chân và tay, phải phẫu thuật nên tốn khá nhiều chi phí. May mắn là cháu có tham gia BHYT hộ gia đình nên được hỗ trợ 80% viện phí. Nếu không có BHYT, một lúc phải lo khoản tiền lớn để chạy chữa cho cháu thì gia đình thực sự rơi vào khó khăn”, bà Long chia sẻ.
Mở rộng chính sách BHXH tự nguyện
Tương tự, suốt 3 năm qua, bà Trần Thị Vinh (ở tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Ea Súp) đã mua BHYT cho cả gia đình để phòng lúc ốm đau. Ngoài bản thân đang hưởng BHYT dành cho cán bộ hưu trí, gia đình bà Vinh có 3 người tham gia BHYT hộ gia đình. Nhờ đó mà suốt 3 năm qua, mỗi thành viên trong gia đình khi bị đau ốm đi khám chữa bệnh đều được Nhà nước hỗ trợ phần lớn viện phí nên giảm bớt được gánh nặng kinh tế.
Bà Vinh tâm sự: “Hai năm nữa, khi đủ thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục, chồng và hai con tôi sẽ được hưởng hỗ trợ 95% viện phí khi đi khám chữa bệnh, phần bản thân chi trả chỉ còn 5%. Trong lúc ốm đau, có sự hỗ trợ rất giá trị từ Nhà nước sẽ giúp bản thân người bệnh bớt được nỗi lo về tiền bạc, yên tâm chữa trị”.
Giám đốc BHXH huyện Ea Súp Trần Hồng Thái cho biết, để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo chỉ tiêu được giao hằng năm, đơn vị đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến từng cán bộ, từng đại lý thu; tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới đại lý thu trên địa bàn huyện. Đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định, chưa tham gia đóng BHXH bắt buộc.
Hiện, BHXH huyện đã khai thác được gần 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, một con số đáng kể đối với địa bàn biên giới. Tuy nhiên, khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương là địa bàn rộng, hạ tầng xã hội còn hạn chế, đời sống kinh tế chưa phát triển, người lao động tự do có mức thu nhập thấp, lại không ổn định và đa số họ chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già.
Thời gian tới, ngành BHXH huyện tiếp tục chủ động phối hợp các ngành chuyên môn, đại lý thu BHXH tự nguyện tăng cường tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện để người dân hưởng ứng tích cực, tạo sự lan tỏa chính sách trong cộng đồng.