Cùng trò khóa cuối vượt áp lực
Với học sinh lớp 12 năm nay là khóa cuối cùng học theo Chương trình GDPT 2006...
Để học sinh lớp 12 không lo lắng, hoang mang khi là khóa cuối cùng học theo Chương trình GDPT 2006, nhiều trường đã chủ động xây dựng bài giảng, định hướng kế hoạch học tập từ sớm duy trì kết quả học tập.
Không để học sinh lo lắng
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) có 653 học sinh, đây là khóa học sinh cuối học Chương trình GDPT 2006. Để học trò yên tâm học tập và chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng, từ đầu năm học, Hội đồng giáo dục nhà trường đã thống nhất tâm thế vững vàng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trước hết, trường họp với cha mẹ học sinh khối 12 để phổ biến thông tin, yêu cầu đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT; phối hợp với phụ huynh hỗ trợ, động viên học trò vững vàng tâm lý, chủ động chuẩn bị hành trang (kiến thức, kỹ năng) tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Cô Trần Thị Bích Hợp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học sinh lớp 12 năm nay là khóa cuối của Chương trình GDPT 2006 nên chúng tôi đặc biệt chú trọng phân tích lợi thế đang có (hình thức thi tốt nghiệp giữ nguyên như những năm trước) để vững vàng tâm lý và tập trung vào việc học. Trường cũng bố trí thầy cô tham gia giảng dạy là người dày dặn kinh nghiệm; kho học liệu, ngân hàng đề thi được đúc kết từ nhiều năm…”.
Còn ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS & THPT Bắc Yên (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), trước kỳ nghỉ hè năm học vừa qua, nhà trường đã định hướng chương trình học tập cho khóa học sinh chuẩn bị lên lớp 12 để xác định chiến lược, xây dựng mục tiêu phấn đấu cho bản thân.
Nhà trường cũng chủ động trong công tác hướng nghiệp. Học sinh nào có ý định thay đổi tổ hợp phải đăng ký lại từ đầu năm học để sắp xếp lớp, phân công giáo viên hỗ trợ gia cố kiến thức, bù lấp lỗ hổng.
“Giáo viên giảng dạy lớp 12 được Ban giám hiệu lựa chọn người có kinh nghiệm dạy học và ôn thi tốt nghiệp. Với giáo viên dạy lớp 10 và 11 sẽ hỗ trợ kèm học sinh lớp 12 ngoài giờ lên lớp ôn luyện bài, gia cố lại kiến thức”, thầy Bạc Văn Ân – Hiệu trưởng nhà trường nói và cho biết thêm:
“Trường yêu cầu thầy cô tận dụng tối đa thời gian trên lớp, không chỉ giảng dạy, hướng dẫn, mà còn giúp học trò biết cách tự học; quan tâm đến tâm lý, không để các em cảm nhận mình là khóa học sinh “vét” của chương trình từ đó buông lỏng, rã đám, chủ quan”.
Chủ động phương án dự phòng
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có 535 học sinh lớp 12, trong đó hơn 120 em lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên còn lại học tổ hợp Khoa học xã hội. Dù trường đã định hướng sớm nhưng nhiều phụ huynh còn băn khoăn, lo lắng về việc học và thi của con em.
Để giải tỏa áp lực tâm lý, trường xây dựng hệ thống câu hỏi, đề thi, nguồn học liệu cung cấp cho học sinh; hướng dẫn học trò bám sát chương trình học để đạt kết quả mong muốn; duy trì việc phân nhóm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp năng lực từng nhóm.
Không những vậy, Trường THPT Hương Khê cũng tính đến phương án dài hơi nhằm hỗ trợ những học sinh không may trượt tốt nghiệp năm trước hay muốn ôn thi lại năm nữa để đỗ vào ngành, trường học mong muốn. Theo đó, trường tổ chức lớp ôn luyện cho thí sinh tự do cùng học sinh lớp 12 từ đầu năm học.
“Hiện, đề thi đã chuyển sang hướng tiếp cận, định hướng đánh giá năng lực nên các em yên tâm ôn tập lại. Thầy cô, nhà trường luôn đồng hành giúp các em củng cố, ôn tập kiến thức hiệu quả nhất”, thầy Hiệu trưởng Hồ Đức Cương cho biết.
Tương tự, tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên (Điện Biên), Hiệu trưởng nhà trường - thầy Vũ Trung Hoàn cho hay: “Trong các buổi sinh hoạt lớp, dưới cờ, chúng tôi luôn nhắc nhở học sinh không để suy nghĩ khóa học cuối cùng tác động tới việc học và ôn thi. Nếu không đỗ tốt nghiệp năm nay thì năm sau sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, ôn tập, thi cử”.
Để học sinh nắm tình hình học tập, năng lực bản thân, cuối lớp 11, nhà trường cho các em làm bài đánh giá; hướng dẫn cách tự học, nghiên cứu trong thời gian nghỉ hè để chủ động bước vào năm học mới.
“Cuối học kỳ I lớp 12, chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá giúp học sinh biết ở thời điểm này mình mạnh, yếu ở đâu, từ đó có phương hướng khắc phục. 6 tháng trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em cùng thầy cô xây dựng kế hoạch ôn luyện, bù lấp, gia cố phần kiến thức còn yếu”, thầy Hoàn cho hay.
Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên sát sao, đồng hành, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh qua đó nắm bắt mong muốn để định hướng. Năm nay, nhà trường phân nhỏ đối tượng để dạy. Cụ thể, nhóm học sinh sức học yếu, trung bình, khá và giỏi sẽ học riêng. Ban giám hiệu yêu cầu thầy cô có phương pháp, bài giảng cho từng nhóm để phù hợp với khả năng tiếp thu kiến thức, từ đó nâng dần kết quả học tập. Mặt khác, học sinh cùng năng lực, khi học tập với nhau sẽ động viên, hỗ trợ và có chung mục tiêu phấn đấu, từ đó giảm bớt áp lực.
Tôi mong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữ ổn định như năm 2023. Đề thi có sự phân hóa năng lực để học trò yên tâm học tập. Bên cạnh đó, các trường đại học không nên sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến học trò bị áp lực vừa phải ôn thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa ôn kỳ thi riêng. - Thầy Vũ Trung Hoàn
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cung-tro-khoa-cuoi-vuot-ap-luc-post660647.html