Cung ứng điện khó khăn, TKV cam kết cấp vượt 15% than cho sản xuất điện
Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng than cấp các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đạt 20,981 triệu tấn (tương đương đạt 54,5% khối lượng hợp đồng), tăng 15,2% so cùng kỳ 2022.
Sản lượng tăng 15,2% so cùng kỳ 2022
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện những tháng mùa khô (tháng 5,6,7/2023) đặc biệt là tại chuyến công tác kiểm tra sản xuất và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Quảng Ninh ngày 11/6/2023, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện, trong đó có các nhà máy nhiệt điện của EVN.
Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng than cấp các nhà máy nhiệt điện của TKV đã đạt 20,981 triệu tấn (tương đương đạt 54,5% khối lượng hợp đồng), tăng 15,2% so cùng kỳ 2022.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cam kết 6 tháng cuối năm, TKV sẽ đảm bảo cung cấp khoảng 18,7 triệu tấn than và dự kiến cả năm dự kiến đạt 39,7 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2022.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cũng cho biết, tháng 6-7/2023, theo đề nghị của của EVN, căn cứ vào khả năng TKV sẽ cấp bổ sung cho các nhà máy nhiệt điện của EVN bình quân 10.000 tấn/tháng/nhà máy so với tiến độ quy định trong hợp đồng đã ký. Cùng đó, giảm khối lượng giao than trong tháng 6 của BOT Mông Dương 2 khoảng 40.000 tấn cám 6a.1 để tăng khối lượng than pha trộn nhập khẩu khoảng 50.000 tấn cấp bổ sung cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 30.000 tấn và Hải Phòng 20.000 tấn.
Ngoài ra, trong tháng 6, TKV cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khoảng 300.000 tấn than, cao hơn cam kết theo hợp đồng đã ký (140.000 tấn) theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện phía Bắc.
TKV cho biết dự báo nhu cầu than điện 6 tháng cuối năm 2023, theo nguồn huy động điện của A0-EVN (phương thức vận hành tháng 6/2023 và cập nhật các tháng còn lại trong năm 2023), nhu cầu than cho điện tăng cao đến hết tháng 7/2023 sau đó sẽ giảm trong các tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11/2023.
Dự kiến, theo tiến độ hợp đồng nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện 6 tháng cuối năm là 18,745 triệu tấn và cả năm dự kiến đạt 39,7 triệu tấn tăng khoảng 1,2 triệu tấn so hợp đồng (chủ yếu là do các nhà máy nhiệt điện BOT tăng khối lượng và khối lượng tăng thêm tháng 5,6,7/2023 các nhà máy nhiệt điện của EVN).
Tình hình cung ứng điện miền Bắc vẫn rất căng thẳng
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp về tình hình vận hành hồ thủy điện ngày 13/6, lưu lượng nước về hồ tăng nhẹ so với 12/6.
Các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ ở mực nước tăng nhẹ ở mức nước thấp, xấp xỉ mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ dao động nhẹ so với ngày hôm qua, mực nước nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.
Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, số nhà máy xấp xỉ mực nước chết tập trung khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Hiện, tình hình cung ứng điện tại miền Bắc vẫn rất căng thẳng, gặp nhiều khó khăn do nhiệt điện than liên tục gặp sự cố, còn các hồ thủy điện vẫn cạn nước, chỉ phát điện cầm chừng. Trong ngày 12/6 đã có 5 nhà máy nhiệt điện than khu vực Miền Bắc bị sụt giảm công suất (Hải Phòng, Quảng Ninh, Mông Dương 1, Cẩm Phả, Thái Bình 2, Sơn Động), tổng sự cố dài ngày 2.100 MW, tổng sự cố ngắn ngày 580 MW.
Một số hồ xấp xỉ mực nước chết tại miền Bắc như: Sơn La, Thác Bà, Bản Chát, Bản Vẽ, Hủa Na, Thác Mơ. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.
Cơ quan thống kê dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24h tới tăng; mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng chậm, ở mức thấp.
Hiện, tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... tới gần 5.000 MW.