Cùng vào cuộc để nâng cao nhận thức của người dân về phòng cháy, chữa cháy
Ngày 18/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) 'về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội'.
Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, Phó Trưởng ban Thường trực Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà cho biết, trong 15 năm qua, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được kết quả nổi bật, hoạt động hướng mạnh về cơ sở, khắc phục tình trạng “hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động.
Trong đó, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác thu hút, tập hợp các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Thông qua MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân được đảm bảo quyền làm chủ, tham gia giám sát các cơ quan chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Thành phố liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đến nay, MTTQ Việt Nam Thành phố có 50 thành viên; Hội Liên hiệp phụ nữ có 942.292 hội viên. Hội Nông dân thành phố có 472.430 hội viên. Trong 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức giám sát được 68.079 cuộc; tổ chức 9.818 hội nghị phản biện.
Các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác.
Sau khi nghe các ý kiến tham luận tại Hội nghị, phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh Thành ủy Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác Mặt trận cũng như hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ đó, Thành phố đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, phát huy vai trò chủ đạo của MTTQ các cấp Thành phố trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Thành phố một cách hiệu quả, thiết thực.
Cùng với đó, hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố luôn bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, chức năng, đặc biệt là chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 15 năm qua, các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác.
Điểm lại những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố 6 tháng năm 2024, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng có sự đóng góp rất quan trọng của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung vào 7 nhóm giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ đô Hà Nội cần triển khai thực hiện. Cùng với đó là công tác chuẩn bị để đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống sau khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 này.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức một cách thực chất của cấp ủy Đảng các cấp đối với hoạt động của MTTQ các cấp cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đề phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thành phố hiện nay. Tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động; xây dựng đội ngũ cán bộ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tham mưu với Thành phố về vấn đề dân vận.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, MTTQ các cấp Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội cần vào cuộc để mỗi người dân, mỗi gia đình trên địa bàn Thủ đô phát huy được hào khí Thăng Long, khát vọng cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của Thành phố.
Lưu ý thời gian qua, tình hình cháy nổ, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp, vì vậy, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần vào cuộc hơn nữa, thực chất hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác này. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.