Cùng Việt Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác cùng Việt Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, bằng 2 cụm từ '3 tiên phong' và '3 đẩy mạnh'
Ngày 19-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn DN Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), với chủ đề "DN FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh".
Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, cộng đồng DN, nhất là các DN FDI được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng.
Đại diện hiệp hội DN các nước tại Việt Nam như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Singapore...; các tập đoàn kinh tế đa quốc gia như Intel, Samsung, Bosch, Erex, Coca-Cola, Heineken... đã tham vấn chính sách, khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; thảo luận về tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng bền vững...
Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam, hoan nghênh cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và phát triển bền vững, khẳng định các DN Anh sẵn sàng đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, tài chính, dược phẩm và hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Ông Denzel Eades khuyến nghị Việt Nam triển khai nhanh chóng Quy hoạch Điện 8, đặc biệt phát triển điện LNG, năng lượng mặt trời và gió; triển khai phối hợp Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) phù hợp với Quy hoạch Điện 8. Ông cũng nhấn mạnh việc phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Nhóm công tác Anh - Việt Nam là một sáng kiến mang tính thay đổi cuộc chơi.
Cho rằng yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), đề nghị Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính như thủ tục trong các vấn đề liên quan thuế, cấp phép đầu tư; cung cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh…
Trong khi đó, ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), nhấn mạnh sẽ tích cực tham gia các chương trình nghị sự quan trọng do Chính phủ Việt Nam thúc đẩy như giảm phát thải carbon, đổi mới sáng tạo và tăng cường chuỗi cung ứng.
Dưới góc độ DN, ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Giám đốc đại diện Tập đoàn Erex (Nhật Bản), nhận định Việt Nam có tiềm năng rất lớn phát triển năng lượng điện sinh khối và phù hợp với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam đang hướng tới. Do đó, Tập đoàn Erex đã lên kế hoạch đầu tư 18 dự án điện, nhiên liệu sinh khối tại 14 địa phương của Việt Nam.
Ông mong muốn các bộ, ngành, địa phương Việt Nam tạo điều kiện để tập đoàn sớm triển khai các dự án; đồng thời hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan tín chỉ carbon để các DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này…
Không tăng trưởng bằng mọi giá
Sau khi lắng nghe khuyến nghị của các hiệp hội và DN nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tổng hợp, rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm trình dự thảo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát kỹ các ý kiến tham luận, các vấn đề, câu hỏi cụ thể của các DN, nhà đầu tư để sớm giải quyết, xử lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách…
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là 1 trong 2 yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững. Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá; quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng DN FDI, các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác cùng Việt Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, bằng 2 cụm từ "3 tiên phong" và "3 đẩy mạnh".
Đó là tiên phong trong đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường; tiên phong trong chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; tiên phong trong triển khai thực hiện các dự án xanh, được tài trợ xanh, có tính lan tỏa, dẫn dắt…
Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn chính sách cho Việt Nam; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cam kết sẽ thực hiện "3 bảo đảm, 3 đột phá, 3 tăng cường" để DN phát triển. Trong đó có bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN; bảo đảm cho DN FDI phát triển ổn định, phát triển theo hướng xanh và xu thế của thời đại; bảo đảm ổn định an ninh năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh và hệ sinh thái chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… tạo môi trường thuận lợi cho DN.
3 đột phá về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; hạ tầng; cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực. 3 tăng cường gồm: Tăng cường lòng tin giữa DN với Chính phủ và chính quyền các cấp; tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, đi đôi với phòng chống tiêu cực, lãng phí; tăng cường hỗ trợ DN phát triển xanh, bền vững.
Hoạt động của 50 doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam
Liên quan đến phái đoàn DN Mỹ lớn nhất đến Hà Nội kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết trong những ngày tới, các nhà quản lý cấp cao từ 50 công ty Mỹ như Meta, JP Morgan, Amazon, Abbott, AES, AIG, Coca-Cola Vietnam, Dieago, Dow, Energy Capital Vietnam... sẽ gặp mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; làm việc với các bộ, ngành Việt Nam và các bên hữu quan chủ chốt để tái khẳng định cam kết của cộng đồng DN Mỹ trong việc hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các chương trình chiến lược đa dạng, bao gồm chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng các cam kết về giảm thiểu phát thải carbon; nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc cải thiện hạ tầng và năng lực sản xuất.