Cùng vượt khó để hiện thực hóa 'giấc mơ' có lương hưu khi về già

Mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ, kinh tế không mấy dư dả, nhưng khi được nghe về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, ông Nguyễn Trung Tuyến, phường 1, TP.Trà Vinh và vợ đã quyết định tham gia bởi khát khao có lương hưu khi về già.

Ông Tuyến tâm sự, trước khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, ông bà nghĩ việc có lương hưu chỉ dành cho những lao động chính thức của doanh nghiệp lớn, cho cán bộ công nhân viên chức. Sau khi hiểu rõ về lưới an sinh của Nhà nước, ông bà nhanh chóng đồng ý tham gia.

Quyết không bỏ cuộc

“Chúng tôi tham gia trước hết vì nhà không có nhiều ruộng đất, chỉ làm nghề tự do, con cái đã có gia đình riêng, nghĩ đến tuổi già thì tích lũy ngay từ khi còn khỏe để có lương hưu là điều cần thiết. Sau đó là yên tâm về sức khỏe vì có BHYT khám chữa bệnh miễn phí. Rõ ràng là lợi trước mắt, lợi cả lâu dài”, ông Tuyến chia sẻ.

Mong muốn là thế, nhưng quá trình tham gia của ông bà Tuyến cũng gặp không ít khó khăn. Bắt đầu tham gia từ năm 2020, thu nhập không quá cao nên nhiều thời điểm, ông Tuyến phải chắt chiu để theo đuổi chính sách BHXH.

Nhiều lao động tự do ở Trà Vinh đang cùng chắt chiu để tham gia BHXH tự nguyện.

Nhiều lao động tự do ở Trà Vinh đang cùng chắt chiu để tham gia BHXH tự nguyện.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022, khi mức đóng BHXH tự nguyện tăng, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc buôn bán khó khăn khiến ông Tuyến tưởng như phải dừng lại. Nhưng rồi khát khao có lương hưu, an nhàn tuổi già vẫn trở thành động lực để ông bà không bỏ cuộc.

“Cũng chỉ còn vài năm nữa là chúng tôi đến tuổi nghỉ hưu. Khi đến hạn, vợ chồng tôi dự kiến sẽ đóng một lần để đủ điều kiện nhận lương hưu. Hàng xóm nhà tôi, nhiều người giờ đang hưởng lương, mỗi tháng đều đều, cứ mỗi lần thấy họ khoe được nhận tiền thì tôi ham lắm”, ông Tuyến bộc bạch.

Giống như trường hợp của ông bà Tuyến, ông Trần Hoàng Thành, phường 2, TP. Trà Vinh từng có ý định rút BHXH một lần khi nghỉ việc nhưng nhờ sự vận động của cán bộ BHXH và cân nhắc nhu cầu của bản thân, ông đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.

Cụ thể, khi còn trẻ, ông Thành là cán bộ công tác tại UBND phường 2. Năm 2019, ông nghỉ công tác thì mới đóng BHXH bắt buộc được 14 năm. Ban đầu, ông có ý định rút BHXH một lần với số tiền gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến cơ quan BHXH, được nghe về lợi ích của việc tham gia vào lưới an sinh đến cùng, ông đã chuyển sang đóng BHXH tự nguyện.

Ngày càng lan tỏa rộng hơn

Chia sẻ về quyết định này, ông Thành cho biết ông cân nhắc nhiều lần và cũng làm bài toán cụ thể thiệt hơn giữa đóng tiếp và rút BHXH một lần, cuối cùng ông quyết định đóng tiếp ở mức hưởng lương 4 triệu đồng. Sau một năm đóng theo quý, tháng 10/2021, ông quyết định đóng một lần 37 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, với số tiền hơn 34 triệu đồng.

“Giờ, hàng tháng được nhận lương hưu, tôi thấy rất thoải mái vì có một khoản tiền lương, với 2,1 triệu đồng/tháng, không cao nhưng đủ để chi tiêu tuổi hưu, không tạo gánh nặng cho con cái, xã hội. Bên cạnh đó, tôi có thẻ BHYT để yên tâm khám chữa bệnh khi cần”, ông Thành hồ hởi nói.

Số lao động nhận lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện ở Trà Vinh ngày càng nhiều.

Số lao động nhận lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện ở Trà Vinh ngày càng nhiều.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng lan tỏa rộng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Các trường hợp người lao động khi hết tuổi làm việc có lương hưu nhờ vào lưới an sinh ngày càng được nhân lên.

Điển hình như bà Đặng Thủy Tiên, công tác tại cơ quan BHXH tỉnh Trà Vinh với số năm đóng BHXH bắt buộc là hơn 12 năm; thời gian đóng BHXH để được tính hưởng lương hưu của bà phải đến ngày 31/5/2027. Nhờ có chính sách BHXH tự nguyện, từ tháng 11/2019 đến tháng 8/2020, bà Đặng Thủy Tiên đã tham gia theo hình thức 3 tháng, 6 tháng và đóng một lần 6 năm 10 tháng để được nhận lương hưu ngay sau tháng đã đóng đủ 20 năm. Tức bà được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1/9/2020 và được cấp thẻ BHYT với mức hưởng lên đến 95%.

Một trường hợp khác là bà Lê Thị Huệ, sinh ngày 12/10/1964, cư trú tại ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, là công nhân đóng bao thành phẩm tại Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh.

Bà Huệ tham gia BHXH bắt buộc được 13 năm (từ tháng 10/2006 đến tháng 9/2019), còn thiếu 7 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Sau một năm không đóng BHXH, bà được hướng dẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện tại BHXH huyện Trà Cú từ tháng 9/2020 với phương thức đóng một lần cho 7 năm còn thiếu (từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2027) và được hưởng lương hưu ngay (từ ngày 1/10/2020) sau tháng đã đóng đủ 20 năm tham gia BHXH và được cấp thẻ BHYT dành cho đối tượng hưu trí với mức hưởng 95%.

Đẩy mạnh mở rộng lưới an sinh

Có thể thấy, BHXH tự nguyện đang ghi nhận những kết quả tích cực trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Để có được thành công trên, bên cạnh các chính sách phát triển đúng hướng của cơ quan chức năng, ngành BHXH tỉnh còn có nhiều sáng kiến.

Điển hình như mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.

Ra đời từ năm 2020, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh đến nay đã được triển khai và nhân rộng với 40 Tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh.

Tham gia mô hình nuôi heo đất, mỗi chị em hội viên sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hằng ngày bỏ vào heo đất, đến kỳ sinh hoạt của Chi hội phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện tương ứng với mức đóng phù hợp.

Bằng cách thức tham gia đơn giản, tiện lợi, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp chị em hội viên có ý thức tiết kiệm mà còn yên tâm, tự tin lo cho tương lai khi về già sẽ có lương hưu và thẻ BHYT nhờ tham gia BHXH tự nguyện ngay khi còn trẻ.

Dù đang có những kết quả tích cực, song cần thừa nhận thực tế vì nhiều lý do, rất nhiều người đã lựa chọn rút BHXH một lần hoặc không tham gia BHXH tự nguyện khi còn trẻ. Để giải quyết vấn đề này, việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội với các trụ cột chính là BHXH và BHYT có độ bao phủ cao phải được xem là hướng đi tất yếu. Định hướng này, trước hết, cần sớm được cụ thể hóa ngay trong quá trình xây dựng sửa đổi Luật BHXH, nhằm nhanh chóng mở rộng diện bao phủ BHXH, để ngày càng nhiều người có được “điểm tựa” khi hết tuổi lao động.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/cung-vuot-kho-de-hien-thuc-hoa-apos-giac-mo-apos-co-luong-huu-khi-ve-gia-1094823.html