Cuộc 'cách mạng' của HTX chăn nuôi công nghệ cao

Trước đòi hỏi của thị trường, thời gian qua, không ít HTX chăn nuôi ở TP Hà Nội đã thực hiện những cuộc 'cách mạng' trong tư duy sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình đầy sáng tạo như: 'chung cư lợn', nuôi bò xanh, nuôi gà bằng âm nhạc…

Thống kê cho thấy trên địa bàn thành phố đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 39 mô hình chăn nuôi ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Độc đáo “chung cư lợn”

Một trong những điểm sáng có thể kể đến HTX chăn nuôi Hoàng Long (thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai). Nhờ tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm của HTX đang có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch hàng đầu trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Khu chăn nuôi của HTX được xây dựng khép kín trên diện tích hơn 5ha với đầy đủ các hạng mục của mô hình chăn nuôi lợn khép kín. Đặc biệt, khu chăn nuôi lợn của HTX được nhiều người biết đến với tên gọi khá khác lạ “chung cư lợn”.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX, cho biết “chung cư lợn” bắt đầu được xây dựng từ năm 2007. Khi đó HTX chỉ mới có 2,2 ha đất. Để khắc phục sự hạn chế về đất đai, HTX đã chọn cách xây dựng trang trại theo phương án nhà tầng thay vì chuồng trại theo cách truyền thống (chuồng 1 tầng). “Chung cư lợn” có lắp đặt cầu thang máy, được xây dựng với các dãy chuồng nuôi từ 1 đến 3 tầng.

Mô hình chăn nuôi được ví như 'chung cư lợn' của HTX Hoàng Long.

Mô hình chăn nuôi được ví như 'chung cư lợn' của HTX Hoàng Long.

Cùng với chăn nuôi lợn, mô hình chăn nuôi bò ở Hà Nội cũng được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, điển hình như HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì.

Được thành lập từ năm 2012, thấy được tiềm năng từ mô hình nông nghiệp hữu cơ, năm 2018 ban giám đốc HTX đã chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo đó, mô hình hoạt động bao gồm: Trang trại nông nghiệp hữu cơ mẫu, trang trại trải nghiệm; nhà máy chế biến sữa; nhà máy bao bì; nhà máy phân bón hữu cơ; hệ thống cửa hàng bán giới thiệu sản phẩm; hệ thống các trang trại vệ tinh đồng thời là thành viên của HTX.

Nhờ những quy trình khắt khe, mỗi năm, HTX sản xuất ra khoảng 800 nghìn lít sữa, trong đó khoảng 1,2 triệu lít sữa thành phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao của OCOP. Doanh thu hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục thành viên, người lao động.

Cần thêm đòn bẩy hỗ trợ

Nhắc đến các điển hình chăn nuôi công nghệ cao cũng không thể không nhắc đến mô hình chăn nuôi gà hiện đại của HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiên Cà (Chương Mỹ, Hà Nội).

Mô hình nuôi gà của HTX khác biệt ở chỗ, không chăn bằng cám công nghiệp mà thực hiện theo phương châm ba không: Không cám công nghiệp, không sử dụng kháng sinh và không dùng chất kích thích.

Thức ăn của gà trong trang trại do công nhân tự phối trộn từ nguyên liệu gồm ngô tẻ đỏ Sơn La, cám gạo tươi miền Bắc, khô đậu tương và dầu ăn tiêu chuẩn cho người trộn với cà gai leo cùng hơn 10 loại thảo dược khác.

Theo anh Phan Trung Kiên, Giám đốc HTX, gà của HTX được nuôi ở trong nhà kín, nhiệt độ luôn được giữ ở mức từ 26-32 độ C và được ăn ngủ theo giờ. Gà còn được cho nghe nhạc, được ăn thức ăn trong đó bổ sung thành phần thảo dược cà gai leo để tăng cường chức năng gan, làm tăng năng suất và chất lượng trứng.

Kết quả đạt được sau hơn 2 năm áp dụng chăn nuôi gà bằng thảo dược, thương hiệu “trứng gà thảo dược cà gai leo Sadu” của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kiên Cà đã được kiểm nghiệm, chứng nhận là thực phẩm sạch, an toàn đạt chuẩn VietGap. Đây cũng là sản phẩm OCOP 4 sao có mặt tại nhiều hội nghị lớn của quốc gia và thành phố Hà Nội.

Có thế thấy, ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để HTX tạo nên khác biệt, mang lại lợi ích cao cho thành viên, hộ liên kết. Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của các HTX trên địa bàn cả nước còn gặp không ít vướng mắc.

Trong đó, các vấn đề về vốn, quỹ đất, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của một số sản phẩm chưa tương xứng với mức độ đầu tư... đang trở thành bài toán không dễ với các HTX và cơ quan chức năng, địa phương.

Để hóa giải các vấn đề còn tồn tại, theo chuyên gia, các địa phương cần tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, HTX, doanh nghiệp đầu tư.

Chủ động áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cao hiện hành nhằm hỗ trợ các HTX, hộ nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu cũng cần chú trọng công nghệ gene, công nghệ sinh học, công nghệ di truyền học đầu tư vào cơ sở sản xuất giống nhập nội bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống, phục tráng các nguồn gene bản địa tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ và các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp ở các vùng chăn nuôi tập trung có đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, đồng thời tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Hỗ trợ phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động chăn nuôi công nghệ cao.

Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các HTX, doanh nghiệp, nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín; tự động hóa các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường... qua đó thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/cuoc-cach-mang-cua-htx-chan-nuoi-cong-nghe-cao-1090911.html